Mùa thu, đọc lại Di chúc Bác Hồ

Tuyên ngôn Độc lập và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những bảo vật vô giá của dân tộc Việt Nam. Nếu Tuyên ngôn Độc lập là bản khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay) vào ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945 thì Di chúc là những lời dặn dò tha thiết, sâu sắc của Người trước lúc đi xa, được công bố vào mùa thu năm 1969. Có thể nói, yêu nước - trọng dân, hai vấn đề cốt lõi xuyên suốt của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được thể hiện tập trung trong Tuyên ngôn Độc lập và Di chúc của Bác.

 Dòng người xếp hàng vào viếng Lăng Bác Hồ. Ảnh: T.L

Dòng người xếp hàng vào viếng Lăng Bác Hồ. Ảnh: T.L

Tôi luôn nghĩ, yêu nước phải trọng dân, trọng dân mới yêu nước là quan điểm dĩ bất biến của Hồ Chí Minh. Năm mươi năm trôi qua kể từ khi được công bố, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thêm tỏa sáng khi được soi rọi vào hiện thực xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta hôm nay. Không gì khác, đó chính là bảo bối dựng nước và giữ nước lâu dài của dân tộc Việt Nam. Bản Di chúc của Người sẽ đồng hành với toàn Đảng, toàn dân trong hành trình tiến về phía trước.

Di chúc được Bác Hồ viết ra vào năm cuối cùng của cuộc đời Người, khi dân tộc ta đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vô cùng gian khổ, ác liệt. Lòng yêu nước được khắc sâu trong những dòng viết của Bác. Với kẻ xâm lược Tổ quốc mình, Hồ Chí Minh không bao giờ chịu khuất phục, đầu hàng; khi mọi cơ hội hòa bình bị kẻ thù chà đạp thì dân tộc ta: Thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ; Không có gì quý hơn độc lập tự do; Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi...như Bác từng kêu gọi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Mở đầu Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hi sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn... Dự báo này thật sáng suốt và lạc quan. Nó không chỉ phản ánh đúng thực trạng chiến tranh lúc đó, sau đó mà còn khẳng định thắng lợi hoàn toàn của nhân dân ta. Làm sao quên được bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ, xuân 1969: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”. Bốn năm sau (1973), Hiệp định Paris được kí kết, những người lính viễn chinh Mỹ rời khỏi Việt Nam. Vào ngày 30/4/1975, khúc khải hoàn ca toàn thắng vang lên trên non sông này. Trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc hôm nay và cả mai sau, những lời dạy của Bác mãi còn nguyên giá trị. Không thể lơ là việc gìn giữ bờ cõi non sông thiêng liêng ông cha để lại như Bác nói: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Chúng ta yêu hòa bình, tận dụng mọi cơ hội để gìn giữ sự an lành cho nước, cho dân, vì thế rất cần phải khôn khéo, linh hoạt trong ứng xử tình huống, hoàn cảnh nhưng không bao giờ nhu nhược, đầu hàng kẻ thù dù chúng đến từ đâu, xa hay gần và to lớn bao nhiêu. Việt Nam không bao giờ đưa thù hận đặt lên đầu nòng súng, kích hoạt xung đột, chiến tranh nhưng luôn sẵn sàng làm tròn nghĩa vụ gìn giữ Tổ quốc. Các cuộc chiến tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc cũng như trên Biển Đông đã thể hiện rõ điều đó.

Muốn bảo vệ vững chắc Tổ quốc thì nước phải mạnh, dân phải yên. Hạnh phúc của nhân dân phải được gắn liền với độc lập tự do đất nước. Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn chỉ ra, nước độc lập mà dân không tự do, hạnh phúc thì độc lập ấy cũng vô nghĩa. Trong bản Di chúc lịch sử, Hồ Chí Minh nhắc tới nhiều đối tượng, từ Đảng viên đến đoàn viên thanh niên, nhân dân...nhưng suy ngẫm đến cùng cũng gói trọn trong hai tiếng “Vì dân”. Đảng trong sạch vững mạnh, Đảng trí tuệ văn minh thì mới thực hiện được sứ mệnh lãnh đạo dân tộc của mình. Từ nhận thức lí luận và trải nghiệm hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã lường đoán được những sự xấu, những điều dở mà Đảng cầm quyền có thể mắc phải. Và đây chính là những việc rất cần làm, làm thường xuyên trong xây dựng Đảng: Đoàn kết là một truyền thống cực kì quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình... Người chỉ ra phương thức phòng và chống sự thoái hóa biến chất trong cán bộ, đảng viên: Thực hành dân chủ rộng rãi, tự phê bình và phê bình... Dân chủ rộng rãi, tự phê bình và phê bình mà Hồ Chí Minh đề cập, mong muốn phải thực chất, trên tinh thần trung thực thẳng thắn, có hiệu quả chứ không phải hình thức. Tiếc là hiện nay, những gì Bác Hồ mong mỏi có nhiều nơi không làm được, hoặc chỉ làm chiếu lệ. Hệ quả, một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên bị thoái hóa biến chất, thậm chí có người trở thành tội phạm làm tổn thất danh dự, uy tín của Đảng. Niềm tin của nhân dân vào Đảng bị suy giảm nghiêm trọng từ những con sâu, đàn sâu cực kì nguy hại ấy.

Tôi nghĩ, khi viết Di chúc, chắc Bác vô cùng lo lắng về những căn bệnh, những thói hư tật xấu mà Đảng cầm quyền dễ mắc phải. Vì thế, Người đã tha thiết mong muốn: Đảng ta là một Đảng cầm quyền... Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người lãnh đạo - người đầy tớ, hai vế ấy phải cùng tồn tại trong một cán bộ, đảng viên; phản ánh năng lực, phẩm chất tài và đức của họ.

Có dân là có tất cả. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh đã thấm thía điều này, nâng thuyền là nước, lật thuyền cũng là nước, dân cũng như nước vậy. Lòng tin của nhân dân vào Đảng là sức mạnh tinh thần to lớn góp phần quyết định vào thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau, không thể để suy giảm và đánh mất niềm tin của dân vào Đảng. Niềm tin của nhân dân là sự sống còn của sự nghiệp cách mạng. Muốn dân tin, dân yêu thì như Bác viết trong Di chúc: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Không phải đến khi viết Di chúc, Hồ Chí Minh mới đề cập tới tinh thần vì dân mà rất nhiều lần Người đã căn dặn, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh.

Giản dị và sâu sắc như cuộc đời Hồ Chí Minh, hết lòng vì nước vì dân. Mùa thu này, lòng rưng rưng khi đọc lại những dòng này của Bác: Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân...

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=141945