Mùa thu ngâm chân nước ấm thế nào để nhận được nhiều lợi ích sức khỏe?
Người xưa có câu, thu ngâm chân bổ phổi - ấm đan điền. Ngâm chân nước ấm có nhiều tác dụng đối với cơ thể như giảm căng thẳng cơ bắp, xua tan mệt mỏi, giảm viêm, giảm đau nhức,... với mỗi công thức ngâm chân tại nhà khác nhau sẽ có các lợi ích khác nhau.
Ngâm chân nước nóng hay ngâm chân nước ấm là một trong những biện pháp trị liệu mệt mỏi và căng thẳng cơ bắp quen thuộc trong Y học cổ truyền khi kết hợp với một số vị thuốc như gừng, quế, muối hồng,... Mùa thu ngâm chân nước ấm thường xuyên giúp bạn nhận được các lợi ích sức khỏe dưới đây.
1. Cải thiện giấc ngủ, thư giãn cơ thể và tâm trí
Điều đầu tiên khi nhắc tới vấn đề ngâm chân nước nóng có tốt không chính là ngâm chân với nước nóng giúp cải thiện giấc ngủ nói riêng và tinh thần nói chung.
Khi ngâm chân với nước nóng (ấm), nhiệt độ ở bàn chân tăng lên kích thích các mạch máu ngoại vi ở chân mở ra từ đó kích thích lưu lượng máu tuần hoàn cục bộ và xoa dịu tinh thần giúp bạn dễ ngủ hơn, đặc biệt với những người đang gặp vấn đề liên quan tới giấc ngủ như mất ngủ, khó vào giấc,..
Hơn nữa, bàn chân được ví như trái tim thứ hai của con người, khi ngâm chân với nước ấm, các huyệt vị trên chân được xoa dịu, nếu kết hợp với massage sẽ có tác dụng thư giãn cơ thể và tâm trí hiệu quả.
Cách ngâm chân chữa mất ngủ
- Cách 1: Chuẩn bị 1 củ gừng to cùng 20 gam muối và nước nguội. Đem gừng rửa sạch đập dập. Đun sôi nước cùng với muối, thả gừng đã đập vào đun thêm 5 phút rồi ngâm chân khi nước đạt độ nóng vừa phải.
- Cách 2: Chuẩn bị 20 gam ngô thù du cùng dấm gạo lượng vừa đủ. Đem ngô thù du bỏ bã sắc lấy nước rồi hòa dấm gạo vào. Đem hỗn hợp này ngâm chân 30 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ để ngủ dễ hơn.
- Cách 3: Chuẩn bị 20 gam đan sâm, 15 gam bạch truật, 12 gam hoàng liên, 10 gam viễn chí, 15 gam toan táo nhân, 10 gam trân châu mẫu đem sắc kỹ rồi lọc bã lấy nước và ngâm chân 30 phút mỗi ngày trước khi đi ngủ.
2. Cải thiện tình trạng tay chân lạnh
Tay chân lạnh thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là mùa lạnh như mùa thu và mùa đông. Ngâm chân bằng nước ấm có thể thúc đẩy tuần hoàn máu tới chân và cải thiện tình trạng này.
Cách ngâm chân chữa tay chân lạnh
Vào buổi tối trước khi đi ngủ bạn có thể chuẩn bị một chậu nước nóng ấm, thả thêm vài hạt muối rồi ngâm chân từ 10 - 15 phút. Sau khi ngâm chân xong, cần lau khô và đi tất ấm, tuyệt đối không để bàn chân tiếp xúc thêm với mặt sàn hay mặt đất lạnh hoặc nước lạnh sau đó.
Ngoài ngâm chân với nước muối ấm chữa tay chân lạnh bạn cũng có thể thêm một số thành phần ngâm chân có tác dụng giữ ấm khác như gừng, ngải cứu, tinh dầu bạc hà, hoa cúc, nhục quế để tăng cường lưu thông khí huyết.
3. Xoa dịu cơ bắp, giảm sưng và tăng cường thể chất
Không thể không kể đến tác dụng giúp xoa dịu cơ bắp khi ngâm chân nước nóng. Nước nóng giúp xoa dịu hệ thần kinh cơ và giảm đau. Từ đó giúp cơ thể tự điều chỉnh về trạng thái cân bằng khi máu được tăng cường lưu thông tới những khu vực căng cơ do tập luyện thể thao hoặc làm việc vất vả, những khu vực đang cần chữa lành,... kể cả sưng tấy ở cơ bắp và khớp.
Ngoài ra theo một số nghiên cứu, bệnh nhân đái tháo đường ngâm chân bằng nước ấm cũng giúp giảm đau và cảm giác tê ngứa do tổn thương thần kinh ngoại biên gây ra. Tuy nhiên khi ngâm chân, người bệnh tránh thử nhiệt độ nước bằng bàn chân hoặc đầu ngón chân mà nên thử bằng bàn tay. Do tổn thương thần kinh ngoại biên tới bàn chân bệnh nhân tiểu đường khiến người bệnh có phản xạ cảm giác nóng/lạnh kém hơn so với người bình thường.
Cách ngâm chân chữa đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết
Với người bị đau nhức xương khớp do thay đổi thời tiết từ nóng sang lạnh, ngoài việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ thì ngâm chân với nước muối ấm và gừng hoặc muối epsom cũng có tác dụng hỗ trợ giảm nhẹ cơn đau cũng như dự phòng cơn đau tái phát hiệu quả. Người bị bệnh nhức xương khớp nên ngâm chân từ 20 - 30 phút trong nhiệt độ nước không vượt quá 45 độ C (tùy thuộc vào ngưỡng chịu đựng của bàn chân, không nên ngâm nước quá nóng dẫn tới bỏng).
Tần suất ngâm chân có thể là 1 lần trước khi đi ngủ hoặc tới 3 lần mỗi ngày nếu cơn đau nhức mỏi khớp tăng nặng.
Cách ngâm chân nước nóng với người bị tiểu đường
Theo TS.BS Lê Bá Ngọc, Chuyên ngành Nội tiết Đái tháo đường - Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, chăm sóc bàn chân sạch sẽ khi bị tiểu đường không dính bụi bẩn có tác dụng hạn chế được các loại nấm, vi khuẩn có hại gây nhiễm trùng bàn chân. Bên cạnh đó việc ngâm chân cũng giúp người mắc tiểu đường ngủ ngon hơn, giảm cảm giác kiến bò bàn chân do tiểu đường gây ra.
Cách ngâm chân rất đơn giản, người bệnh đái tháo đường ngâm chân với nước ấm, thử nhiệt độ bằng bàn tay thay vì nhúng cả bàn chân xuống chậu nước ngâm chân. Nhiệt độ không quá 38 độ C (khoảng 102 độ F).
Sau khi ngâm rửa chân, cần sử dụng khăn tắm để lau khô bàn chân, đặc biệt lau khô các kẽ chân với bệnh nhân có các vết loét tiểu đường trên da. Khi ngâm chân, không sử dụng các loại hóa chất, chất tẩy rửa, các loại cây – lá để ngâm rửa bàn chân. Bệnh nhân nên thận trọng, cần tư vấn và đồng ý của bác sỹ chuyên khoa khi muốn sử dụng các loại thuốc đông y để ngâm rửa bàn chân.
4. Tẩy tế bào chết, hỗ trợ điều trị bệnh ngoài da
Ngâm chân với nước ấm cũng có thể giúp làm sạch da, tẩy tế bào chết giúp làn da bàn chân mềm mại và mịn màng hơn. Bên cạnh đó, ngâm chân nước nóng với muối còn giúp hỗ trợ điều trị một số bệnh ngoài da như viêm nhiễm gây ngứa và đau nhức. Tuy nhiên với các bệnh ngoài ra, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ngâm chân, tránh tổn hại thêm làn da đang có các tổn thương hở.
Cách ngâm chân tẩy tế bào chết
Chuẩn bị nước cốt chanh, đường vàng và dầu ô liu trộn thành hỗn hợp dạng sệt rồi cho vào nước ấm ngâm chân trong 5 phút. Trong quá trình ngâm, lấy tay massage đều hỗn hợp trên chân và rửa lại với nước ấm rồi lau khô bằng khăn bông mềm sạch.
5. Ai không nên ngâm chân nước nóng?
Mặc dù việc ngâm chân nước nóng có rất nhiều tác dụng đối với sức khỏe nhưng có một số nhóm người không nên hoặc cần thận trọng khi ngâm chân bao gồm:
- Người đang mắc các bệnh lý về mạch máu
Theo Baidu (Trung Quốc), các yếu tố như thời gian ngâm chân lâu hơn và nhiệt độ nước ngâm chân cao có thể làm tăng gánh nặng khi mắc các bệnh lý về tim mạch và mạch máu. Nhiệt độ khuyến nghị thường là từ 40 - 45 độ C với thời gian tối đa là 10 phút. Khi ngâm chân nếu phát hiện có các triệu chứng bất thường như chóng mặt, choáng váng thì cần dừng lại ngay và liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và thăm khám.
- Người mắc bệnh giãn tĩnh mạch
Người bị giãn tĩnh mạch do suy van tĩnh mạch nếu ngâm chân bằng nước nóng có thể khiến nhiệt độ bàn chân tăng cao, tăng lưu lượng máu cục bộ là tăng gánh nặng hồi lưu tĩnh mạch với ác triệu chứng như sưng, đau và cảm giác nặng trên các chi, đặc biệt là ở chân và bàn chân.
- Người bị nấm chân, mụn rộp, chàm, phát ban chân
Nhiều người lầm tưởng rằng người bị nấm chân nên ngâm chân để làm sạch và diệt khuẩn nhưng thực tế ngâm chân nước nóng khi bị nấm chân có thể gây ra nhiễm khuẩn thứ phát. Đặc biệt với những vết thương hở đã rách, loét thì tình trạng có thể nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra người bị viêm khớp dạng thấp hoặc gút bàn chân đang có các khớp sưng tấy và ấm nóng cũng không nên ngâm chân.
6. Lưu ý khi ngâm chân nước nóng (ấm)
Ngoài việc giữ nhiệt độ nước ngâm chân nóng vừa phải, không quá cao, nên từ 40 - 48 độ C thì có một số lưu ý khác khi ngâm chân nước nóng như sau:
- Không ngâm chân quá lâu, nên ngâm chân dưới 30 phút mỗi lần
- Không nên ngâm chân ngay sau khi vừa ăn xong do hệ tiêu hóa lúc này cần phải tập trung lưu lượng máu để tiêu hóa thức ăn. Nếu ngâm chân bằng nước nóng ngay sau ăn có thể gây ra khó tiêu. Nếu muốn ngâm chân sau khi ăn, bạn nên ngâm sau đó khoảng 1 tiếng
- Không đi ngủ ngay sau khi ngâm chân xong mà thay vào đó bạn nên massage nhẹ nhàng cơ thể, đầu, bắp chân để nhiệt độ nóng ấm toàn thân, điều này đặc biệt quan trọng và hiệu quả để giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.
- Nên ngâm chân trong không gian phòng ấm, kín gió.
Trên đây là một số thông tin liên quan tới tác dụng của ngâm chân nước nóng mùa thu cũng như những lưu ý về việc ai không nên ngâm chân nước nóng và công thức ngâm chân điều trị một số vấn đề sức khỏe. Nếu có bất cứu băn khoăn gì về việc ngâm chân khi đang sẵn có các tình trạng sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ chủ trị để được tư vấn phù hợp.
Nguồn: Tổng hợp