'Mua trước, thanh toán sau' - Lối thoát cho nền kinh tế?
Môi trường kinh doanh chưa bao giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng như hiện tại, với một ví dụ dễ hình dung là khoảng từ 20.000 đến 25.000 cửa hàng chỉ tính riêng tại Mỹ dự kiến sẽ phải đóng cửa trong năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Ngành bán lẻ sẽ chịu những tác động mạnh mẽ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009, trong khi việc phục hồi dự kiến sẽ mất ít nhất gấp đôi thời gian.
Trong bối cảnh u ám ấy, “mua trước, thanh toán sau” đang được xem là một cứu cánh, không chỉ cho người tiêu dùng trong giai đoạn phong tỏa và giãn cách xã hội, mà còn cho các nhà bán lẻ để chống đỡ lại cuộc khủng hoảng kinh tế đang nhen nhóm. Trên thực tế xu hướng này đã bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 2010 và đang từng bước trở nên thịnh hành hơn ở Mỹ, sau những thành công bước đầu tại thị trường Australia và Thụy Điển.
Trong giao dịch “mua trước, thanh toán sau” - gọi tắt là BNPL, người mua hàng trực tuyến có thể lựa chọn số lượng các đợt thanh toán, chẳng hạn như 5-6 khoản thanh toán hăầng tháng tương đương tại thời điểm chốt đơn. Nhà cung cấp BNPL sàng lọc người mua hàng, phê duyệt kế hoạch thanh toán và sắp xếp để một ngân hàng hoặc nhà cung cấp tài chính khác xây dựng khoản vay và chấp nhận rủi ro. Trên thực tế, BNPL giống như các khoản đặt cọc đã quen thuộc trong hệ thống mua-bán, chỉ khác là khách hàng được nhận sản phẩm trước khi hoàn thành việc thanh toán. Toàn bộ quá trình mất một vài phút.
BNPL bắt nguồn từ thương mại điện tử song tiềm năng của loại hình mua sắm này khiến các nhà cung cấp cũng đã bắt đầu tính đến việc phân nhánh dịch vụ để bán lẻ tại cửa hàng, dù thao tác đăng ký của khách hàng có thể phức tạp hơn. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai sẽ khiến nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao, dẫn đến một sự tăng vọt các giao dịch BNPL. Suy thoái kinh tế có thể sẽ thúc đẩy nhiều nhà bán lẻ xem xét các chương trình BNPL và điều này trên thực tế lại có lợi cho cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Các nhà bán lẻ muốn đẩy hàng nhanh nên sẽ dễ dàng chấp nhận thiết lập quan hệ đối tác với các công ty BNPL. Trên thực tế, dù lo ngại về tổn thất tín dụng do tác động bởi dịch COVID-19 đã kích động làn sóng bán tháo cố phiếu trong lĩnh vực tài chính vào tháng 3-2020 nhưng sự tham gia của các nhà đầu tư công nghệ lớn và lượng người sử dụng tăng đã hỗ trợ sự phục hồi mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu thuộc lĩnh vực BNPL.
Đối với người tiêu dùng, BNPL, không giống như thẻ tín dụng thông thường, cho phép họ có thể xác định thời hạn thanh toán với lãi suất bằng 0. Hơn thế nữa, nhiều dịch vụ BNPL cho phép khách hàng chọn thời hạn trả nợ - từ 3 đến 12 tháng hoặc lâu hơn. Các nhà cung cấp khác thường có khung thanh toán cố định - thường là 4 lượt thanh toán trong 6 tuần. Nhiều người xem hình thức “trợ cấp” này như một chi phí tiếp thị hoặc mã giảm giá nhằm thu hút khách hàng.
BNPL đặc biệt hấp dẫn đối với những người mua sắm không thích có dư nợ trên thẻ tín dụng. Các công dân thiên niên kỷ là nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu của loại hình này, một phần vì họ thường hiểu biết về công nghệ hơn so với nhóm người mua sắm lớn tuổi và cũng bởi họ là nhóm nhân khẩu học được sinh ra trong giai đoạn Đại Suy thoái và vì thế có sự cảnh giác nhất định với các khoản nợ tín dụng.
BNPL cũng đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Nhiều người tiêu dùng trực tuyến có thói quen tải giỏ hàng và sau đó cân nhắc rồi từ bỏ ngay trước thời điểm thanh toán. Các giao dịch BNPL cũng dễ dàng kích thích các khoản mua sắm lớn. Lấy ví dụ, một khách hàng muốn có một chiếc tivi mới song chỉ có 300 USD tại thời điểm đó. Nếu được lựa chọn BNPL, người mua hàng có thể bị thuyết phục chuyển sang một mẫu đắt tiền hơn ở mức 600 USD chẳng hạn.
Tất nhiên, mọi đồng xu đều có 2 mặt và các giao dịch BNPL cũng vậy. Chính những nhà cung cấp tài chính là đối tượng gánh chịu rủi ro và chịu tổn thất trong trường hợp vỡ nợ. Việc người dân đua nhau mua hàng trả góp cũng có thể làm gia tăng các khoản nợ xấu. Trong đó, nhóm những người lần đầu tiên tiếp cận dịch vụ là nhóm có khả năng vỡ nợ cao.
Đại dịch COVID-19 đẩy nhiều người vào cảnh thất nghiệp trong khi các gói viện trợ của chính phủ đang dần thu hẹp đang đặt ra bài toán buộc các mô hình kinh doanh BNPL phải học cách ứng phó nếu suy thoái thực sự bùng phát. Hầu hết các công ty phải siết chặt cơ chế phòng ngừa rủi ro, trong đó có cả việc thiết lập thêm các điều kiện từ chối cho vay.
Tuy nhiên, có lý do để các nhà cung cấp tài chính vẫn tiếp tục khuyến khích hình thức này. Giống như thẻ tín dụng, các giải pháp BNPL thu hút người tiêu dùng nói chung - cả những người có hồ sơ thanh toán tín dụng “đẹp” và những khách hàng thông thường. Nhà cung cấp BNPL có thể tự mình hoặc thông các nhà cung cấp tài chính, nhanh chóng điều chỉnh các mô hình rủi ro. Những người cho vay có thể đề xuất khoản lãi cao hơn để bù đắp chi phí rủi ro mà họ có thể sẽ phải gánh chịu.
Hơn nữa, trong nhiều giao dịch BNPL, đợt thanh toán đầu tiên được thực hiện cùng ngày với thời điểm mua hàng và các khoản thanh toán tiếp theo sẽ diễn ra bằng hình thức trực tuyến. Điều này về cơ bản cũng là một sự đảm bảo cho các nhà cung cấp tài chính bởi việc bỏ qua các khoản thanh toán tự động sẽ khó hơn nhiều việc “phớt lờ” các loại hóa đơn gửi tới qua đường bưu điện.
Tất nhiên, BNPL không phải liều thuốc bách bệnh và thành công của hình thức này phụ thuộc vào việc các khoản mua sắm và vay tiền có được phê duyệt một cách trách nhiệm hay không. Nếu nhận thức, hay nói rõ hơn là ý thức, của cả người bán và người mua gia tăng trong thời gian tới, các chương trình BNPL hoàn toàn có thể làm tăng nhu cầu tiêu dùng, giải quyết phần nào những khó khăn từ cuộc khủng hoảng được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại của loài người.