Mua xe máy mới cần soi nhãn năng lượng

Bộ GTVT khẳng định dán nhãn năng lượng có lợi cho người tiêu dùng, còn các hãng thì nói thêm chi phí, ảnh hưởng giá thành.

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 59/2018 hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu. Theo đó, việc dán nhãn năng lượng được thực hiện đối với mô tô, xe máy được sản xuất, lắp ráp mới hoặc nhập khẩu chưa qua sử dụng. Về lộ trình dán nhãn, khuyến khích áp dụng từ nay đến 31-12-2019 và bắt buộc từ ngày 1-1-2020. Dù thông tư đã ban hành nhưng vẫn còn những ý kiến trái chiều liên quan đến các nội dung của thông tư này.

Bộ GTVT: Người tiêu dùng được lợi

Theo Bộ GTVT, việc dán nhãn năng lượng mô tô, xe máy sẽ do cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu (gọi chung là các cơ sở) tự in nhãn năng lượng theo mẫu quy định của Bộ Công Thương. Sau đó gửi thông tin công khai tới cơ quan quản lý chất lượng. Đồng thời các cơ sở phải thực hiện dán nhãn năng lượng lên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Bên cạnh đó, nhãn này phải duy trì trên xe cho đến khi xe được bàn giao tới người tiêu dùng.

Để giám sát việc này, Bộ GTVT cho biết hằng năm, cơ quan quản lý chất lượng lập kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ về công khai thông tin mức tiêu thụ nhiên liệu và thực hiện dán nhãn của các cơ sở. Trường hợp phát hiện cơ sở có dấu hiệu công bố thông tin không chính xác hoặc đánh lừa người tiêu dùng thì cơ quan chức năng sẽ yêu cầu cơ sở đó phải thử nghiệm lại mức tiêu thụ nhiên liệu.

“Như vậy, việc dán nhãn năng lượng trên do doanh nghiệp tự thực hiện, tự chịu trách nhiệm về thông tin trên nhãn... Cơ quan chức năng chỉ tiến hành hậu kiểm” - đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Bộ GTVT cũng lưu ý đối tượng dán nhãn năng lượng là các mô tô, xe máy mới (hiểu đơn giản là xe chưa có biển số), chứ không phải hơn 40 triệu xe máy đang lưu hành (đã được cấp biển số). Sau khi có nhãn năng lượng, người tiêu dùng được hưởng lợi do họ có thêm thông tin để lựa chọn dòng xe tiết kiệm nhiên liệu trước khi quyết định mua xe mới mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Bộ GTVT cũng cho biết nhãn năng lượng không phải là giấy tờ phục vụ công tác đăng ký xe cũng như các thủ tục khác.

Theo lãnh đạo Vụ Môi trường (Bộ GTVT), trên thế giới nhiều nước đã và đang tích cực triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với xe cơ giới thông qua các chương trình như dán nhãn năng lượng, quy định mức tiêu thụ năng lượng tối thiểu, đánh thuế nhiên liệu, lái xe sinh thái, chương trình bảo dưỡng xe… Chương trình dán nhãn năng lượng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia như các nước châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ… Ở khu vực Đông Nam Á có Singapore, Thái Lan, Đài Loan...

Từ 1-1-2020, các mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp mới và nhập khẩu phải thực hiện dán nhãn năng lượng. Ảnh: QUANG HUY. Ảnh nhỏ: Các thông tin cần phải có trên nhãn năng lượng ô tô. Ảnh: V.LONG

Từ 1-1-2020, các mô tô, xe máy sản xuất, lắp ráp mới và nhập khẩu phải thực hiện dán nhãn năng lượng. Ảnh: QUANG HUY. Ảnh nhỏ: Các thông tin cần phải có trên nhãn năng lượng ô tô. Ảnh: V.LONG

Nhà sản xuất: Phát sinh chi phí, tác động giá thành

Đại diện một hãng xe máy (không muốn nêu tên - PV) cho rằng nếu thêm quy định dán nhãn năng lượng thì mức tiêu hao nhiên liệu do hãng xe đăng ký, công bố phải có sự kiểm tra, xác nhận của cơ quan chức năng. Tần suất kiểm tra từng năm hay từng lô hàng, từng mẫu xe mới… để xác nhận sẽ phát sinh thêm chi phí, tác động đến giá thành sản xuất.

70% lượng xăng dầu trong cả nước được tiêu thụ bởi các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ mà chủ yếu là ô tô, mô tô, xe máy, theo Bộ GTVT. Đây là một trong những nguồn chính phát thải các khí gây ô nhiễm không khí đô thị, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, đồng thời góp khoảng 22,6% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Ông Nguyễn Anh Phát, chủ một đại lý kinh doanh xe máy ở TP.HCM, cũng cho rằng các hãng xe sản xuất đều có công bố thông số kỹ thuật, mức tiêu hao nhiên liệu và đã có các cơ quan quản lý kiểm tra. Nay quy định thêm dán nhãn năng lượng thì các hãng xe sẽ đưa chi phí kiểm tra, kiểm định vào giá bán của chiếc xe, khi đó người tiêu dùng là người chịu thiệt.

Cũng theo ông Phát, hiện người tiêu dùng rất am hiểu, tự so sánh được các thông số kỹ thuật của các hãng xe, các mẫu xe. Trước đây, Bộ Công Thương cũng đã ra quy định dán nhãn năng lượng lên các mặt hàng điện máy nhưng rồi lại bỏ quy định này. Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 36/2016 bãi bỏ hoàn toàn những quy định trong Thông tư 07/2012 trước đó về dán nhãn năng lượng trên các mặt hàng điện máy (máy lạnh, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện, nồi cơm điện, đèn chiếu sáng...). Theo đó, áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức tiêu hao năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện, thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm mình công bố.

Buộc các hãng phải cạnh tranh

Tại Việt Nam, trước đó ô tô loại từ bảy chỗ trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới cũng thực hiện lộ trình dán nhãn năng lượng. Thông qua nhãn năng lượng, người tiêu dùng có căn cứ để lựa chọn phương tiện có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp; các nhà sản xuất, kinh doanh xe cũng lấy mức tiêu thụ nhiên liệu của xe là một trong những công cụ cạnh tranh trên thị trường…

Một lãnh đạo Vụ Môi trường (Bộ GTVT)

Trùng lặp, gây lãng phí

Dán nhãn năng lượng lên xe máy cũng như đề xuất quy định dán nhãn năng lượng đối với ô tô là không cần thiết vì nó không mang lại lợi ích gì cho xã hội cũng như người tiêu dùng. Hiện xe máy đã có các thông số kỹ thuật như tiêu hao bao nhiêu lít xăng trên 100 km; rồi những thiết bị tiết kiệm nhiên liệu như tự động tắt máy khi dừng đèn đỏ, có xe có cả chế độ tiết kiệm nhiên liệu… Vì vậy, dán nhãn năng lượng là trùng lặp, lãng phí. Ngoài ra, dán nhãn năng lượng sẽ đẻ ra các loại chi phí như tiền in nhãn, dán nhãn, chi phí cơ quan chức năng xuống kiểm tra, kiểm định…

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, xe máy

VIẾT LONG - QUANG HUY

Nguồn PLO: http://plo.vn/do-thi/moi-truong/mua-xe-may-moi-can-soi-nhan-nang-luong-812239.html