Mưa xối xả trong đêm, nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng chìm trong nước
Cơn mưa lớn kéo dài từ khoảng 3h sáng 5/11 đã khiến nước ngập nhiều tuyến phố ở Đà Nẵng.
XEM CLIP:
Mưa lớn từ nửa đêm đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng ngập sâu, có nơi nước ngập từ 50-70cm.
Lúc 5h sáng nay, tại các tuyến đường Lý Tự Trọng, Hải Hồ… nước dâng ngập bánh xe ô tô, việc di chuyển của người dân gặp khó khăn. Nhiều nhà dân ở khu vực trũng bị nước tràn vào nhà.
Tại một số tuyến đường trung tâm như Hàm Nghi, Nguyễn Văn Linh, Tô Ngọc Vân… ngập sâu, hàng loạt phương tiện chết máy. Để tránh ô tô, xe máy đi vào khu vực ngập sâu, nguy hiểm, lực lượng chức năng đã chăng dây, cắm biển cảnh báo cho người dân biết. Tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Đình Lý- Hàm Nghi, lực lượng cảnh sát giao thông ứng trực để hướng dẫn người dân di chuyển khi tuyến đường này có nhiều chốt chặn do ngập nặng.
Cơ quan khí tượng dự báo trong khoảng 6h - 9h, tại các quận, huyện thuộc TP Đà Nẵng tiếp tục duy trì mưa to đến rất to; lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Cảnh báo trong các giờ tiếp theo, trên địa bàn thành phố tiếp tục còn có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Mưa cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn có khả năng gây ngập lụt tại các vùng trũng thấp và các khu đô thị trên địa bàn thành phố, gây cản trở giao thông và thiệt hại tài sản; nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi.
Một số hình ảnh PV VietNamNet ghi nhận vào sáng sớm nay:
Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 3 - 10/11, khu vực Trung Bộ chịu ảnh hưởng của một số hình thái thời tiết xấu gây mưa lớn.
Sau ngày 10/11, mưa lớn ở miền Trung tiếp tục diễn biến phức tạp với khả năng xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn, trong đó nửa đầu tháng 11 và đầu tháng 12 tập trung nhiều ở các tỉnh Quảng Bình trở vào đến Phú Yên.
Do đó, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Trung tâm Thông tin và giám sát, điều hành thông minh Đà Nẵng chủ động theo dõi, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo mưa lớn, các phương án phòng, chống thiên tai; công tác rà soát các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét đặc biệt ven sông Túy Loan và Cu Đê để người dân chủ động ứng phó.
Các địa phương, đơn vị liên quan chủ động thông tin về các tin tức cảnh báo, dự báo thiên tai, tuyên truyền người dân chủ động kê cao tài sản, khơi thông cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại và thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, chủ động thực hiện tuyên truyền bằng đa dạng các phương tiện truyền thông, trong đó có hệ thống zalo, các trang, nhóm mạng xã hội tại địa phương các phương án triển khai sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất.