Mùa xuân sáng tạo

Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 16 - 2020 đã thu hút những 'mầm non' sáng tạo với nhiều giải pháp hữu ích mang hàm lượng khoa học cao và có giá trị ứng dụng thực tiễn. Nhiều giải thưởng được trao đã chứng tỏ sự sáng tạo không đợi tuổi, hứa hẹn các em sẽ còn tiến xa và trở thành những nhà sáng chế tương lai.

Trao giải Đặc biệt cho 2 em Vũ Lê Cẩm Tú và Nguyễn Thị Hải Yến có giải pháp xuất sắc

Trao giải Đặc biệt cho 2 em Vũ Lê Cẩm Tú và Nguyễn Thị Hải Yến có giải pháp xuất sắc

Bảo vệ rau, hoa bằng tinh dầu ớt, quế

Tuyến trùng là loại sinh vật gây hại nghiêm trọng cho hầu hết các loại cây trồng. Việc trị tuyến trùng rất khó do lớp da đặc biệt chống thấm thuốc của nó, các loại thuốc đặc trị bệnh tuyến trùng trên thị trường có hiệu quả chưa cao. Hai em Vũ Lê Cẩm Tú (lớp 8A14) và Nguyễn Thị Hải Yến (lớp 9A5) Trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt mới ở tuổi 13 - 14 đã nghiên cứu chế tạo ra chế phẩm hệ nano chứa tinh dầu ớt, quế và tinh dầu neem diệt được tuyến trùng gây hại rau, hoa. Hai em đã tiến hành trộn hỗn hợp chứa ba loại tinh dầu (ớt, quế, neem) với tỷ lệ bằng nhau (1:1:1) để tạo thành 2 loại chế phẩm kiểm soát tuyến trùng là: nhũ nano chứa đồng thời tinh dầu ớt - quế - neem (NaTri) và hỗn hợp 3 loại nhũ nano đơn (NaMix). Với kích thước nano siêu nhỏ, hai chế phẩm trên đều dễ dàng tiếp xúc và tác dụng lên tuyến trùng gây hại.

Chế phẩm đã được thực nghiệm trên các vùng canh tác rau, hoa và mang lại hiệu quả, chế phẩm có khả năng kiểm soát tuyến trùng ở hoa ly (87,6%), rau bó xôi (79,2%) và ớt chuông (91,7%). Chế phẩm NaTri và NaMix không gây độc hại cho cây mà còn giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Sử dụng chế phẩm NaTri ở nồng độ pha loãng 300 lần với hình thức tưới nhỏ giọt thì kiểm soát tuyến trùng đạt tỷ lệ 91,7%, cây phát triển rất tốt. Với giải pháp này, hai em Cẩm Tú và Hải Yến đã đưa ra ý tưởng bao bọc tinh dầu ớt-quế-neem trong hệ nano, làm tăng khả năng thấm thuốc qua lớp da của tuyến trùng gây hại. Đây là một phương pháp mới chưa được công bố trong nước, chế phẩm có thể kiểm soát được tuyến trùng đạt trên 90%.

Giải pháp sử dụng công nghệ nhũ nano không những công hiệu đối với các loại bệnh cây trồng mà còn là giải pháp góp phần làm giảm lượng và nồng độ thuốc bảo vệ thực vật, tăng khả năng sử dụng hiệu quả các loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc tự nhiên trong canh tác sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng. Với sự mới mẻ của sản phẩm, tính sáng tạo và khả năng áp dụng thực tiễn, giải pháp của 2 “nhà khoa học nhỏ tuổi” đã được trao giải Đặc biệt của Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 16 - 2020.

Trao giải Nhất cuộc thi cho những “mầm non” sáng tạo

Trao giải Nhất cuộc thi cho những “mầm non” sáng tạo

Chế biến trà từ lá hồng ăn trái

Hồng (Diospyros kaki L.f.) là loài cây ăn trái ôn đới được trồng nhiều ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương. Nhiều bộ phận của cây hồng được dùng làm thuốc như quả, tai quả, lá… Theo nghiên cứu, trong lá hồng có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng diệt khuẩn, hạ huyết áp, tăng độ bền thành mạch máu, phòng ngừa xơ vữa động mạch, chống mất ngủ, giảm béo, chữa bệnh động mạch vành, tiểu đường; đặc biệt, trong lá hồng có lượng Vitamin C rất cao (704 mg/100 g lá hồng tươi). Sinh ra ở vùng ven Đà Lạt, cây hồng gắn bó thân thuộc với hai em Nguyễn Đình Đức Khoa và Lê Đức Anh Kiệt (lớp 11A1, Trường THCS & THPT Xuân Trường - Đà Lạt). Với tác dụng của lá hồng qua tìm hiểu các vị thuốc dân gian, tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào sẵn có, 2 em Khoa và Kiệt đã nghiên cứu về phân loại thực vật, thành phần hóa học của cây hồng, kỹ thuật sấy để điều vị chế biến lá hồng có phối trộn thêm cam thảo thành trà túi lọc tiện sử dụng.

Hai em đã tiến hành khảo sát tính chất của dịch chiết lá hồng, thí nghiệm các hoạt tính sinh học, thử nghiệm độc tính cấp và thu được kết quả an toàn, có thể dùng để uống. Từ đó, các em đã sản xuất trà túi lọc từ lá hồng và cam thảo theo quy trình: Nguyên liệu là lá hồng tươi - xanh không quá non, không quá già, không bị sâu bệnh, không dập nát; rửa sạch, cắt nhỏ; sấy, xay, nghiền, sàng, kích thước 1 mm; phối trộn lá hồng và cam thảo tỷ lệ 9:1 theo khối lượng; đóng túi lọc. Từ nguồn nguyên liệu sẵn có, cách chế biến đơn giản, không sử dụng hóa chất, các em đã tạo ra một thức uống có lợi cho sức khỏe. Với giải pháp của các em có thể áp dụng rộng rãi vào đời sống, phát triển thành thực phẩm chức năng đặc trưng của tỉnh, cách làm đơn giản có thể sản xuất quy mô nhỏ, hộ gia đình để thực hiện thương mại thành sản phẩm hàng hóa. Việc sử dụng lá hồng từ xưa tới nay chỉ sử dụng trên cơ sở kinh nghiệm dân gian truyền miệng, hầu như chưa được nghiên cứu sử dụng chế biến. Việc đi đầu sáng tạo ra một sản phẩm mới từ lá hồng, có phối trộn thêm cam thảo để điều vị thành trà túi lọc rất đáng ghi nhận. Tính sáng tạo và giá trị ứng dụng thực tiễn, giải pháp của 2 em đã được trao giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 16 - 2020.

Hai em Nguyễn Đình Đức Khoa và Lê Đức Anh Kiệt giới thiệu quy trình chế biến và sản phẩm trà túi lọc từ lá hồng

Hai em Nguyễn Đình Đức Khoa và Lê Đức Anh Kiệt giới thiệu quy trình chế biến và sản phẩm trà túi lọc từ lá hồng

Cánh tay Robot hỗ trợ người khuyết tật

Trong xã hội có rất nhiều người kém may mắn bị mất đi một cánh tay hoặc cả hai tay do bẩm sinh hoặc do tai nạn. Để có được cánh tay Robot hỗ trợ người đoạn chi (cụt tay) hoạt động như người bình thường, ba em Đào Việt Anh (lớp 6, Trường THCS Nguyễn Du - Đà Lạt), Lâm Vũ Minh Nhật (lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Bảo Lộc), Đào Anh Hào (sinh viên công nghệ thông tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) đã nghiên cứu cánh tay Robot hoạt động theo cơ chế mô phỏng cử động của đầu để điều khiển cánh tay. Ba bạn trẻ ở 3 cấp học khác nhau đã cùng nhau bắt tay vào tìm hiểu về nhu cầu của người đoạn chi, đặc biệt là những người bị khiếm khuyết tay do tai nạn; tham khảo ưu nhược điểm của các thiết bị hỗ trợ cho người đoạn chi do tai nạn đã có trên thị trường; nghiên cứu phần cứng (các thông số kỹ thuật, ứng dụng của các linh kiện điện tử như: vi điều khiển, động cơ…); lựa chọn thiết bị và thiết kế cánh tay Robot hỗ trợ cơ chế vận động cho người bị đoạn chi; nghiên cứu chế tạo và lắp đặt cánh tay theo thiết kế; thử nghiệm cánh tay trên cơ thể người để có điều chỉnh cho phù hợp.

Sau thời gian miệt mài, các em đã tạo nên cánh tay Robot có cấu tạo và hình dạng mô phỏng cánh tay người thật, gồm 4 bậc tự do (vai, cẳng tay, cổ tay, bàn tay) được gắn trực tiếp vào tay người sử dụng qua mấu bả vai. Cánh tay Robot được điều khiển bằng đầu, sử dụng cảm biến nghiêng gắn trên kính để có thể nhận diện được hướng di chuyển của tay. Người dùng nghiêng đầu lên xuống, xoay đầu trái phải để điều khiển hướng cánh tay, nghiêng đầu qua trái qua phải để điều khiển độ xoay của cổ tay. Riêng thao tác nắm và mở bàn tay được đồng bộ bằng một cái kính đeo trên mắt người dùng. Nhắm mắt nhanh (khoảng 1 giây) để mở - đóng chế độ chờ, cánh tay sẽ không thể nhận lệnh trừ khi mở lại; nhắm mắt lâu (khoảng 3 giây) để đóng - mở bàn tay.

Cánh tay Robot có thể dễ dàng lắp ráp các bộ phận và sử dụng nhanh chóng; hiệu quả hoạt động giống đến 70% so với cánh tay thật của con người, giúp những người bị đoạn chi có thể lao động, làm việc, không còn mặc cảm tự ti, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. So với các sản phẩm cùng loại đã có, cánh tay Robot do các em sáng tạo đã cải tiến các chi tiết mới, tạo sự thoải mái, thuận tiện cho người sử dụng. Với giá trị áp dụng thực tiễn, ý nghĩa nhân văn, tính mới, tính sáng tạo, hàm lượng khoa học, giải pháp của các em đã được trao giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Lâm Đồng lần thứ 16 - 2020.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202101/mua-xuan-sang-tao-3037364/