Mùa xuân theo anh về

'Bố ơi, cây quất đẹp quá. Mẹ ơi, nhà mình mua cây quất này nhé'-tiếng con trẻ bi bô, thân thương thu hút sự quan tâm của mọi người trong không gian mênh mông của đất trời Điện Biên những ngày giáp Tết Canh Tý 2020. Thế nhưng ít ai biết đó là giây phút đoàn tụ hiếm hoi của gia đình Trung úy QNCN Sùng A Hờ, nhân viên Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2.

Tiết trời xuân ở Điện Biên thật dễ chịu. Những cành đào trong vườn bắt đầu bung sắc trong không gian giao hòa của đất trời. Căn nhà nhỏ ở xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên của cô giáo Lò Thị Tiện rôm rả hơn bởi mấy ngày qua gia đình được đón “vị khách” đặc biệt-đó là chồng chị, Trung úy QNCN Sùng A Hờ.

Chị Tiện hóm hỉnh giải thích với chúng tôi về từ “khách” đặc biệt, bởi tính ra cả năm anh ăn cơm cùng vợ con số bữa chỉ tính trên đầu ngón tay. Con gái Sùng Khánh Vy nói chen vào: "Mẹ không được nói thế, bố không phải là khách, bố nhỉ?".

 Gia đình Trung úy QNCN Sùng A Hờ đi chợ Xuân Canh Tý 2020.

Gia đình Trung úy QNCN Sùng A Hờ đi chợ Xuân Canh Tý 2020.

Ngày cuối năm, với đôi bàn tay khéo léo của vợ chồng anh Hờ, những chiếc bánh gù (đặc sản ngày Tết của đồng bào dân tộc Thái) đã hoàn thành. Trong câu chuyện cuối năm, tình yêu của họ ùa về như những thước phim quay chậm. Chị Tiện chia sẻ: “Chúng em đến được với nhau không chỉ phải vượt qua hàng trăm ngọn núi cao mà còn phải vượt qua phong tục tập quán của dân tộc Mông, vượt qua tư duy con trai dân tộc Mông phải lấy con gái dân tộc Mông của gia đình và dòng họ anh ấy...”.

Sùng A Hờ là chàng trai dân tộc Mông ở xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Còn cô giáo Lò Thị Tiện là người dân tộc Thái. Hai người quen nhau từ khi còn học ở Trường Dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên. Hồi đó, chàng trai người Mông Sùng A Hờ thầm thương trộm nhớ cô gái Thái xinh đẹp học cùng trường. Với bản tính nhút nhát, Sùng A Hờ không dám thổ lộ. Ra trường, mỗi người một nơi. Sùng A Hờ lên đường nhập ngũ, còn Lò Thị Tiện tiếp tục sự nghiệp đèn sách để trở thành giáo viên. Bẵng đi vài năm, trong dịp nghỉ phép, Hờ gặp lại Tiện khi ấy là giáo viên dạy học ở một trường trên huyện. Thế rồi họ bén duyên nhau...

Để có mái ấm như hôm nay, họ đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn, vất vả. Lò Thị Tiện không nói được tiếng dân tộc Mông, còn bố mẹ Sùng A Hờ thì gần như không nói được tiếng Kinh, tiếng Thái. Chị Tiện nhớ lại: “Mỗi khi đến nhà anh ấy, do bất đồng ngôn ngữ nên em cứ lủi thủi một mình vì không hiểu bố mẹ anh ấy nói gì. Hầu hết em chỉ đoán qua sắc mặt của bố mẹ anh ấy khi nói chuyện với em, vì mỗi khi anh Hờ dịch lại đã "biên tập" đi khá nhiều”.

Vượt qua lời nguyền của bản, vượt qua phong tục bao đời của người Mông, cuối cùng Sùng A Hờ đã kết hôn với người con gái dân tộc Thái trong niềm vui chung của bà con dân bản và đồng đội giữa ngày mưa tầm tã tháng bảy. Sau 8 năm chung sống, minh chứng tình yêu của họ là hai đứa con xinh đẹp Sùng Khánh Vy và Sùng Công Minh.

Là bộ đội nên Sùng A Hờ quanh năm xa nhà. 8 năm qua, anh gắn bó với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trên đất bạn Lào. Nếu như các đội quy tập hài cốt liệt sĩ khác chỉ thực hiện nhiệm vụ 6 tháng mùa khô trên đất bạn Lào thì Đội Quy tập mộ liệt sĩ Quân khu 2 quanh năm ở bên đó. Địa bàn mà đội thực hiện nhiệm vụ là 6 tỉnh Bắc Lào với muôn vàn khó khăn, vất vả.

Chồng xa nhà, một mình chị Tiện đảm nhiệm cả vai trò làm bố, làm mẹ. “Chồng vắng nhà, một nách hai con thơ. Vất vả lắm anh ạ, nhưng chưa bao giờ em than chuyện này với chồng. Có đêm cả hai đứa sốt, một mình xoay xở đưa con vào viện mà nước mắt cứ trào ra. Lần nào anh ấy điện về, em đều bảo mọi việc ở nhà vẫn bình thường để anh ấy yên tâm công tác”, chị Tiện kể. Bù lại những vất vả thường nhật mà chị Tiện phải gánh vác là sự yêu thương, chăm lo hết mực của anh Hờ dành cho vợ con. Cuộc sống của vợ chồng Trung úy QNCN Sùng A Hờ cũng dần ổn định. Sau thời gian tích góp, cả hai đã mua được ngôi nhà khang trang. Anh Hờ chia sẻ: “Mặc dù công tác xa nhà quanh năm, nhưng sống trong thời công nghệ 4.0 nên cảm giác về không gian địa lý cũng được rút ngắn lại. Những ngày đi rừng hoặc ở vùng sâu, vùng xa không có sóng điện thoại thì đành chịu, còn bình thường hôm nào em cũng tranh thủ gọi điện thoại về gặp vợ và các con. Vì thế nỗi nhớ dường như cũng được giải tỏa”.

Chúng tôi đã có nhiều hành trình đi tìm đồng đội cùng Trung úy QNCN Sùng A Hờ và đồng nghiệp của anh. Nơi họ đến là những cánh rừng đã rất lâu không có dấu chân người; là những ngọn núi đá không có đường lên; muốn lên được phải bắc thang dây, vô cùng nguy hiểm. Bữa ăn, giấc ngủ của những người lính quy tập còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vượt lên tất cả, bằng ý chí, quyết tâm và sự tri ân với thế hệ cha anh đã hy sinh vì nghĩa vụ quốc tế cao cả, những người lính quy tập đã tìm thấy và đưa nhiều hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện về nước.

Tôi nhớ mãi hình ảnh của cô giáo Lò Thị Tiện trong ngày đón hài cốt liệt sĩ trở về yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Tông Khao. Trong khói hương trầm mặc, hai hàng nước mắt trào ra, lăn dài trên má cô giáo người Thái. Chị hiểu, sự hy sinh cho chồng, cho con của mình chưa thấm vào đâu so với sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, nhưng chị vui vì luôn nỗ lực để trở thành hậu phương vững chắc cho chồng làm nhiệm vụ đặc biệt thiêng liêng này.

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/mua-xuan-theo-anh-ve-608092