Mục tiêu cao nhất là đảm bảo nguồn cung hàng hóa

Theo chuyên gia kinh tế, PGS. TS Ngô Trí Long, sau bão, giá cả còn biến động mạnh. Những ảnh hưởng của nó có thể kéo dài vài tháng, do đó cần phải có kịch bản ứng phó phù hợp. Mục tiêu cao nhất hiện nay là các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân và hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh tư liệu.

các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh tư liệu.

PV: Những ngày căng thẳng chống siêu bão đã qua, giờ nhìn lại ông đánh giá như thế nào về sự chủ động của các cấp, các ngành trong bình ổn giá cả thị trường, không để tác động xấu tới đời sống người dân?

PGS. TS Ngô Trí Long: Bão Yagi đi qua một số địa phương đã gây hậu quả nặng nề, gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và làm đứt gẫy giao thông vận chuyển hàng hóa một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống... cũng như dẫn đến tăng giá cục bộ tại một số địa bàn dẫn đến khó khăn cho sinh hoạt, tiêu dùng của nhân dân...

Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp đã tích cực, chủ động vào cuộc, chuẩn bị nguồn hàng, gia tăng sản xuất và giảm giá bán cho người dân, làm giảm bớt gánh nặng và nỗi đau do bão gây ra.

Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá. Bộ Công thương có công điện yêu cầu đảm bảo cung ứng hàng hóa, thành lập tổ công tác tiền phương về cung ứng, điều tiết hàng hóa thiết yếu tại các địa phương, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân. Các địa phương cũng rất nhanh chủ động vào cuộc tăng cường quản lý giá cả thị trường, nhất là mặt hàng rau xanh, lương thực, thực phẩm.

Có thể nói các bộ, ngành, địa phương đã chủ động làm tốt nhiệm vụ bình ổn giá cả. Tuy nhiên, sau bão, giá cả còn biến động mạnh. Những ảnh hưởng của nó có thể kéo dài vài tháng, do đó cần phải có kịch bản ứng phó phù hợp.

PV: Như ông vừa phân tích, dù chủ động nhưng do nguồn cung giảm, nên một số mặt hàng có hiện tượng tăng giá, vậy cần phải làm gì để giải bài toán cung - cầu, tránh tác động lên mặt bằng giá?

PGS. TS Ngô Trí Long: Theo quy định, các biện pháp bình ổn giá bao gồm: điều hòa cung cầu hoặc định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và có quy định khác về việc thực hiện bình ổn giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp.

Mới đây, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cung ứng đủ hàng hóa, nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát giá cả, không để găm hàng, đội giá, tranh thủ lúc khó khăn để trục lợi. Hiện tượng trên không phổ biến và cũng không kéo dài quá lâu. Thói quen của người dân hay đi mua hàng hóa ở chợ dân sinh, chợ cóc, tuy nhiên tại các siêu thị sau thời điểm bão, hàng hóa cung ứng đầy đủ, giá cả bình ổn. Do đó, các phương tiện truyền thông rộng rãi để người dân biết và tìm đến những siêu thị, điểm bán hàng giá cả bình ổn.

PV: Ở thời điểm này, dư luận lại nhắc đến “câu chuyện” khâu trung gian hàng hóa. Đây vẫn là điểm yếu của chúng ta, khi khâu trung gian “ăn” quá nhiều lợi nhuận, cả người nông dân và người tiêu dùng đều thua thiệt. Quan điểm của ông như thế nào?

PGS. TS Ngô Trí Long: Đúng là điều này đã được nhắc đến nhiều, đến nay sau nhiều nỗ lực cũng đã được cải thiện, nhưng không đáng kể. Câu chuyện nông sản nặng phí trung gian là một thực tế. Qua nhiều khâu trung gian trong sản xuất, tiêu thụ dẫn đến giá cả nông sản tại nơi sản xuất bị đội giá lên nhiều lần khi đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay nhiều doanh nghiệp, người nông dân đã tự quảng bá sản phẩm của mình thông qua livestream bán hàng. Đây cũng là cách thêm “lối ra” cho nông sản, tuy nhiên cách này cũng còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ nông sản, cơ bản chưa phát huy vai trò là đầu mối, điều phối, dịch vụ sản xuất, khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản cho nông, ngư dân. Thời gian tới, cần tiếp tục tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối các sản phẩm, hỗ trợ tổ chức tiêu thụ trên địa bàn…

PV: Như ông vừa chia sẻ, thời điểm khó khăn còn kéo dài trong khoảng vài ba tháng tới, vậy làm thế nào để hạn chế tác động tiêu cực lên mặt bằng giá, ảnh hưởng mục tiêu kiểm soát lạm phát?

PGS. TS Ngô Trí Long: Trước việc nguồn cung thực phẩm, hàng hóa bị ảnh hưởng do bão lũ, hầu hết các nhà phân phối đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa, thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Hiện tại, nhiều địa phương không bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng đã sẵn sàng nguồn hàng hóa để chi viện cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.

Tuy nhiên không thể chủ quan, mục tiêu cao nhất hiện nay là các hệ thống phân phối đảm bảo nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của người dân và hạn chế việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu.

Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm của cả nước và nhiều địa phương dự báo chậm lại. Do đó, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, bị đứt gãy, hạn chế nguồn cung sau bão lũ. Đồng thời, tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành phù hợp.cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường. Cùng với đó, tăng thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/muc-tieu-cao-nhat-la-dam-bao-nguon-cung-hang-hoa-159729.html