Mục tiêu và thách thức khi Pháp làm Chủ tịch EU

Dư luận đang chú ý tới những định hướng chính sách của Liên minh châu Âu (EU), sau khi một loạt quốc gia thành viên có lãnh đạo mới sau bầu cử. Tiếp quản cương vị Chủ tịch Hội đồng EU từ đầu năm tới, Pháp đã công bố những mục tiêu ưu tiên, trong đó nổi bật là vấn đề chủ quyền chiến lược của 'liên minh cờ xanh'.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/12 tại điện Elysee. Ảnh: EPA

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại cuộc họp báo ngày 9/12 tại điện Elysee. Ảnh: EPA

Tại cuộc họp báo hôm 9/12, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiết lộ những nội dung lớn mà Paris theo đuổi trong chương trình nghị sự nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU trong sáu tháng đầu năm 2022.

Theo ông Macron, nếu phải khái quát mục tiêu nhiệm kỳ tới trong một câu, thì đó là “đưa một châu Âu vốn hợp tác bên trong các đường biên giới trở thành một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, có đầy đủ chủ quyền, tự do với các lựa chọn và làm chủ vận mệnh của mình”.

Để triển khai mục tiêu, Pháp dành “ưu tiên số 1” cho nỗ lực củng cố “chủ quyền chiến lược” của EU. Ông Macron nhấn mạnh, các nước EU dù có hay không là thành viên của NATO, thì đều có những thách thức và mục tiêu chung. Trong bối cảnh mới, EU cần định nghĩa lại khái niệm chiến lược phòng thủ, nhằm củng cố năng lực tự vệ của khối, cho dù NATO vẫn có hiệu quả.

Paris sẽ tiên phong thúc đẩy các nỗ lực củng cố chủ quyền của EU, đặc biệt là tại các khu vực biên giới. Pháp hy vọng nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU sắp tới sẽ tạo nền tảng cho một chính sách phòng thủ chung của EU, xét trên cả phương diện hoạch định chiến lược lẫn hành động.

Trước những diễn biến mới tại Balkan, Pháp kêu gọi EU đẩy mạnh can dự và trở lại đầu tư vào khu vực và quan trọng nhất là làm rõ “viễn cảnh châu Âu” của các đối tác đang trong tiến trình gia nhập “mái nhà chung EU”. Khi châu Âu đang đối mặt cuộc khủng hoảng di cư mới, EU càng cần có cách thức chung để bảo vệ biên giới trước nạn nhập cư bất hợp pháp. Pháp cho rằng, một “định hướng chính trị mới” cho khu vực tự do đi lại Schengen, một cơ chế quản lý người di cư tốt hơn là vấn đề cấp thiết.

Trong mục tiêu mở rộng ảnh hưởng của khối, Pháp đề xuất EU gia tăng hợp tác với châu Phi, vực dậy mối quan hệ “có phần hụt hơi” giữa hai châu lục. Paris mong muốn “châu Âu hóa” mối quan hệ an ninh giữa Pháp với “lục địa đen”, nơi Pháp triển khai lực lượng hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố và thánh chiến.

Những mục tiêu ưu tiên đã được vạch rõ, song Pháp tiếp quản nhiệm vụ điều phối chương trình nghị sự của EU, trong bối cảnh có sự thay đổi lãnh đạo tại một loạt quốc gia thành viên, nhất là tại Đức, thành viên đầu tàu của khối. Thực tế này gây tác động nhất định đến hợp tác của EU, cũng như việc triển khai các mục tiêu của Pháp.

Yếu tố tác động dễ thấy nhất là “độ trễ” của chính quyền mới tại các nước. Với hầu hết các chính phủ mới, ưu tiên hàng đầu là kiện toàn bộ máy, củng cố quyền lực và ổn định nội bộ. Điều này phần nào tác động tới việc định hình chính sách cũng như hoạt động đối ngoại của các nước, từ đó tác động tới hợp tác của khối. Chưa kể trường hợp có sự điều chỉnh, thậm chí thay đổi lập trường, sẽ tác động nghiêm trọng tới tầm nhìn chiến lược chung.

EU gần đây công bố hàng loạt định hướng chính sách mới, nhất là trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, hay tầm nhìn mới về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. “Độ trễ” về quan điểm đối ngoại của một số thành viên sẽ ảnh hưởng tới việc triển khai những chiến lược quan trọng của EU.

Gần đây, EU đối mặt nhiều thách thức, từ đoàn kết nội khối suy giảm, đại dịch Covid-19 hoành hành, khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, đến cạnh tranh với các đối tác, rồi làn sóng di cư mới tới sát biên giới khối. Đây đều là những vấn đề lớn, đòi hỏi sự đồng thuận của khối để giải quyết. Sự thay đổi lãnh đạo của các quốc gia, trong đó có những thành viên có tiếng nói quan trọng, có thể khiến nhiệm vụ ứng phó thách thức thêm phức tạp.

NINH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/binh-luan-quoc-te/muc-tieu-va-thach-thuc-khi-phap-lam-chu-tich-eu-677897/