Mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự

Bạn đọc Trần Hùng ở quận Hà Đông, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 15 Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18-8-2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 điều này.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người tham gia tố tụng đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 điều này.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 điều này. Trường hợp hành vi vi phạm của luật sư đến mức phải áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam có thời hạn theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì việc xử phạt được áp dụng theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp.

4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 điều này.

5. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 điều này.

* Bạn đọc Nguyễn Diệu Hoa ở xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, hỏi: Việc xử lý kỷ luật đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại có hành vi vi phạm pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 40 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19-10-2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại. Cụ thể như sau:

1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:

a) Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

b) Bao che cho người bị khiếu nại.

c) Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.

2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có một trong những hành vi cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc trong quá trình xác minh nội dung khiếu nại.

3. Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại khi có hành vi cố ý báo cáo sai lệch kết quả xác minh nội dung khiếu nại dẫn đến quyết định giải quyết khiếu nại sai gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người. Trường hợp người được giao nhiệm vụ xác minh không có chức vụ thì áp dụng hình thức kỷ luật hạ bậc lương.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/muc-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-xuc-pham-danh-du-735393