Mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hóa Việt Nam” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hoạt động điểm nhấn trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Du lịch Văn hóa”.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho biết: Ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch sớm trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của đất nước và yêu cầu phát triển du lịch bền vững gắn liền với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và giá trị văn hóa trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã nhấn mạnh quan điểm “Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên…” đồng thời xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng có sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao”. Luật Du lịch số 09/2017/QH14 quy định nguyên tắc phát triển du lịch là “Phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên, khai thác lợi thế của từng địa phương và tăng cường liên kết vùng”.
Ông Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ: Xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 cũng như Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Du lịch văn hóa đồng thời cũng là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cũng nêu thông tin: Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong số khách du lịch văn hóa nói chung, khách đến tham quan các viện bảo tàng chiếm khoảng 59%; thăm các di tích lịch sử, di sản văn hóa chiếm khoảng 56% - cao hơn nhiều đi dự các buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Do đó, để thu hút khách du lịch văn hóa, một số quốc gia đã đầu tư các chương trình nghệ thuật tổng hợp (show biểu diễn thực cảnh) kể một câu chuyện về lịch sử, văn hóa của dân tộc, địa phương.
Ở nước ta, cũng đã có những sản phẩm du lịch kết hợp với phát huy giá trị văn hóa như tour kết nối di sản thế giới các nước ASEAN, Hành trình di sản miền Trung, các lễ hội của Việt Nam như Festival nghệ thuật Huế, Festival biển Nha Trang, Carnavan biển Hạ Long, Festival cồng chiêng Tây Nguyên, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội ẩm thực đất phương Nam, Lễ hội trái cây Nam Bộ, Liên hoan ẩm thực ba miền... Các giá trị nghệ thuật gần đây cũng được doanh nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu xây dựng thành các sản phẩm du lịch đặc sắc như chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”, “Áo dài”, “Tinh hoa Bắc Bộ”, “Múa rối nước”, “À Ố Show”. Các tour du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Bên cạnh dó, du lịch Việt Nam cũng liên tục được đánh giá cao ở nhiều cuộc bầu chọn và giải thưởng quốc tế. Trong 3 năm liên tiếp, từ 2018-2020, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến Văn hóa hàng đầu châu Á” và “Điểm đến Ẩm thực hàng đầu châu Á” và là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” trong năm 2022 do Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) bình chọn. Có thể thấy tất cả các giải thưởng này đều gắn với sự công nhận về điểm đến du lịch gắn với văn hóa.
Trong Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng giới thiệu về đề án Tứ đại cảnh – Huyền thoại Việt Nam nhằm quảng bá du lịch, văn hóa thông qua biểu diễn nghệ thuật; công nghệ âm thanh, ánh sáng. Chương trình hướng tới thu hút khách du lịch, đồng thời quảng bá sâu rộng về văn hóa Việt Nam (tâm linh, tín ngưỡng, lịch sử và truyền thống nhân văn); lan tỏa thông điệp mang những giá trị cốt lõi của văn hóa lịch sử Việt Nam. Chương trình có thể là một chương trình biểu diễn hoàn chỉnh từ 60 -80 phút hoặc theo hình thức thu gọn đáp ứng về thời gian, không gian, địa điểm để phục vụ du lịch. Có thể được bán vé và biểu diễn thường xuyên.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nêu việc liên kết để phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh trong năm 2023. Một Hội nghị quốc tế; diễn đàn “Du lịch và điện ảnh Việt Nam”... dự kiến sẽ diễn ra tại Khánh Hòa vào cuối tháng 5/2023 để đề cập đến mối quan hệ giữa 2 lĩnh vực du lịch - điện ảnh, quảng bá trực tiếp các sản phẩm du lịch khách sạn gắn với điện ảnh; đưa điện ảnh ra nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước là xu hướng chung của tất cả các nước. Đây là một trong 12 chương trình trọng điểm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong năm 2023...
Tại Diễn đàn, các đại biểu cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm xây dựng, phát triển, khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch văn hóa để thu hút khách, làm nổi bật các giá trị văn hóa Việt Nam./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mui-nhon-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-o-viet-nam/287873.html