Mùi Tết xưa
Trời se lạnh trong nắng hanh vàng. Khắp phố phường, không khí rộn ràng chuẩn bị đón Tết khiến lòng người càng thêm náo nức. Bất giác đâu đây qua con phố nhỏ, thoang thoảng mùi hương thơm của mứt gừng... gợi nhớ về Tết xưa.
Ngày ấy ở quê tôi, cuộc sống người dân còn thiếu thốn đủ bề, nhưng Tết đến, ai cũng cố gắng sắm sửa, lo cho gia đình một cái Tết đủ đầy, tươm tất. Mấy thùng gạo nếp dành dụm, tích trữ từ vụ lúa tháng mười, được mang ra sàng sảy, hong khô lại cẩn thận rồi xay giã, làm ra mẻ gạo trắng ngần. Đám lá dong sau vườn nhà cũng đã xanh mướt, tốt um, đủ để gói vài chục bánh chưng, bánh tét. Ngày gói bánh chưng, người lớn, trẻ con quây quần vui không tả xiết.
Tết là dịp gia đình sum vầy, được thưởng thức những món ăn ngon mẹ nấu. Ảnh: NGUYỄN NHÃ
Chẳng hiểu sao thời ấy, mùi Tết rõ đến thế. Khi bắc nồi luộc bánh cái mùi thơm kỳ diệu của khói bếp, củi cháy, lá dong cứ tan trong không gian, bám chặt vào người. Cũng chính trong mùi khói ấy, bọn trẻ như tôi dễ dàng nhận biết được hương xôi nếp, hương thịt muối, hương cá kho mằn mặn, hương gạo mới dẻo thơm...
Lũ trẻ chúng tôi được các bà, các mẹ phân công chạy lon ton làm những việc nhỏ, như phơi củ kiệu, tỉa đu đủ... Làm thì ít mà đứa nào cũng tranh nhau, mỗi đứa một tay, cái không khí chuẩn bị cho ngày Tết cũng vì vậy mà thêm rộn ràng.
Cái chợ xóm Cầu nhỏ bé quê tôi trở nên đông vui, nhộn nhịp, đầy ắp những sản vật từ các vùng lân cận tụ hội về. Mẹ tôi tranh thủ đi một vòng quanh chợ, mua câu đối đỏ, bánh đậu xanh, những phong bao lì xì, khăn ấm cho ông bà và vài bộ quần áo mới cho các con.
Vui nhất và đợi chờ nhất vẫn là đêm giao thừa, thời khắc chuyển sang năm mới. Những đứa trẻ diện bộ quần áo mới, ông thì soạn lại bài văn cúng giao thừa, bố chăm chút cho bàn thờ gia tiên, bà và mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả... Những đứa trẻ con vui đùa trước sân, ai ai cũng trên môi hiện lên những nụ cười chào năm mới. Thời ấy làm gì có pháo hoa, có chương trình nghệ thuật hoành tráng như bây giờ. Khi ông thắp hương xong cũng là lúc năm mới đến, mọi người gửi đến nhau những lời chúc năm mới sức khỏe, an lành. Chúng tôi đi cùng ông ra đình làng hái lộc. Ngày ấy chưa có điện, nên đêm 30 tối đen như mực, ai ra đường cũng phải xách theo cái đèn dầu. Dưới làn mưa xuân giăng mắc như tơ mành nối bầu trời và mặt đất, tiếng chào hỏi, chúc mừng năm mới xôn xao đường quê.
Những ngày sau Tết mới thật là vui. Cả nhà đi chúc Tết anh em họ hàng, bà con làng xóm, đi lễ chùa. Thời ấy, tôi vẫn nhớ những trò chơi dân gian tổ chức ở sân làng. Người thì xem trò chọi gà, thanh niên trai gái tuổi mới lớn thì bắt đôi để chơi trò đập niêu, những đứa trẻ chơi trò bịt mắt bắt dê, nhảy lò cò...
Mùi Tết - cái mùi không có tên trong từ điển tiếng Việt, không thể miêu tả được bằng lời, nhưng nó là loại mùi bám chặt vào ký ức của mỗi người dân Việt. Dù biết cái mùi Tết ấy qua bao năm tháng đã khác xưa nhiều, nhưng với tôi, ký ức về mùi của Tết xưa còn vẹn nguyên, là khoảnh khắc gia đình sum vầy. Thế nên, mỗi khi Tết đến, Xuân về, trong lòng lại nôn nao.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/6101/202102/mui-tet-xua-3043433/