Muốn học để 'thoát bùn'
Nghèo đói, không có một gia đình trọn vẹn, thậm chí chính bố mẹ cũng hoài nghi về con đường đại học, liệu có thành công hay chỉ thêm gánh nặng? Nhưng họ vẫn quyết tâm theo đuổi ước mơ.
Hơn cả một sự lựa chọn, là khát khao khẳng định giá trị bản thân để vươn lên “thoát bùn”, tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính mình và gia đình.
Chặng đường phía trước sẽ đầy khó khăn, thử thách khi mà hành trang trong tay các cô cậu học trò 18 tuổi mới chỉ có những điểm 9, 10 môn thi ĐH với bao lo toan cuộc sống. Nhưng thành quả từ thực lực bản thân, vượt qua bao nhiêu vất vả, mặc cảm, hoàn cảnh éo le xứng đáng để các em bước tiếp và có thêm bàn tay chìa ra đồng hành, hỗ trợ.
Bán trâu lấy tiền nhập học
Nguyễn Bá Lộc sống cùng mẹ trong ngôi nhà đơn sơ, xây tạm trên mảnh đất ông bà ngoại để lại, ở làng Tân Thịnh, xã Giang Sơn Đông, huyện Đô Lương, Nghệ An. Trời nhá nhem tối, Lộc mang mấy cái ghế ra sân ngồi nói chuyện cho đỡ nóng.
Nghe tiếng khách lạ, người mẹ chạy trốn sau chuồng dê, nhất quyết không chịu đi vào. Lộc phải nói mãi, rồi thêm hàng xóm thân quen sang hỏi, mẹ em mới rụt rè đến ngồi xuống bên cạnh.
Mẹ Lộc là người đàn bà không nhanh nhẹn, khôn ngoan, chỉ biết quanh quẩn trong làng, ai nhờ gì làm nấy, trả công bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Đến một ngày, người đàn bà ấy sinh ra một bé trai kháu khỉnh. Bố đứa trẻ tìm đến, đặt tên con là Nguyễn Bá Lộc, nhưng 3 người không thể sống cùng nhau. Bởi ông đã có gia đình riêng, và Lộc chỉ là đứa con ngoài giá thú.
Nam sinh trải lòng: “Bố em là con trưởng, nhưng lại sinh toàn con gái. Áp lực “nối dõi tông đường” từ dòng họ khiến bố phải ra ngoài kiếm con trai. Gia đình bố biết chuyện, và cũng chấp nhận em.
Hồi em còn nhỏ, bố vẫn thường đến thăm nom, quan tâm, dù không chu cấp được nhiều vì cuộc sống nhiều khó khăn. Không được sống cùng, nhưng bố vẫn luôn là chỗ dựa, bảo ban em nhiều điều, vì mẹ em hầu như không hiểu biết gì ngoài xã hội”.
Mẹ con Lộc sống bằng sự cưu mang của ông bà ngoại và phần trách nhiệm của người cha trong nỗ lực vun vén cả trong lẫn ngoài gia đình. Ông bà ngoại già yếu lần lượt ra đi, năm Lộc học lớp 10 thì bố mắc bệnh hiểm nghèo. Quãng thời gian đó, em vừa đi học, vừa chạy xe 20km đến chăm sóc bố, làm trọn chữ hiếu với ông những ngày tháng cuối đời.
Bố mất, chỗ dựa của Lộc không còn, thay vào đó, em còn là trụ cột của gia đình, lo cho người mẹ đã ốm yếu, không biết tính toán. Buổi đi học, buổi ở nhà chăn dê, cắt cỏ cho trâu, đến mùa thì lo cấy gặt... Vì thế mà Lộc thường xuyên đi học muộn, và bị cô giáo chủ nhiệm gọi lên hỏi chuyện, bởi thấy dấu hiệu “lạ” của cậu học trò luôn vui vẻ, cởi mở, kết quả học tập nằm tốp đầu.
“Khi ấy, em mới kể nhiều hơn về hoàn cảnh của mình. Và những lần đến muộn, là vào phiên chợ, sáng sớm em phải dắt dê ra chợ bán”, cô Nguyễn Thị Ngọc Lan, giáo viên chủ nhiệm của Lộc ở Trường THPT Tân Kỳ (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) nhớ lại.
Cô cho biết, Nguyễn Bá Lộc có thế mạnh về các môn khoa học tự nhiên. Em cũng là cậu học trò ngoan, chăm chỉ, thông minh, tiếp thu nhanh. Dù hoàn cảnh khó khăn, vất vả, không có nhiều thời gian dành cho việc học, nhưng thành tích của em vẫn nổi bật.
Năm lớp 12 em còn đoạt giải Ba học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý. Đặc biệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lộc đạt 26,25 điểm khối A (Toán 9, Vật lý 8,25 và Hóa học 9).
Lộc cho biết, em đăng ký xét tuyển vào Trường Đại học Bách khoa TPHCM. Nhưng trong tay Lộc bây giờ, chẳng có gì ngoài điểm số chắc chắn đỗ đại học, và một gia đình nhỏ với quá nhiều lo toan.
“Hè năm ngoái, em đã đi làm thêm để kiếm tiền, nhưng năm nay dịch bệnh bùng phát, chi phí học tập, sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, nên em chưa biết xoay xở thế nào. Hơn nữa, ở nhà chỉ còn mình mẹ...”, Lộc nói.
Cậu học trò sớm là trụ cột của gia đình, nhưng vẫn chỉ là đứa trẻ vừa lớn, với những tính toán thật thà: “Nhà em bây giờ có 2 con trâu, và mấy con dê. Nếu vào đại học, có lẽ em phải bán bớt 1 con trâu làm lộ phí.
Con trâu còn lại sẽ đẻ thêm để mẹ tiếp tục nuôi lớn. Dù sao, em cũng sẽ đi học”. Với Lộc, có lẽ đó là con đường mà em đã chọn, và tìm cách theo đuổi để thoát nghèo, tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho 2 mẹ con.
Học để chứng minh rằng mình đã đúng
Lần đầu tiên, Trường THPT Đặng Thai Mai (huyện Thanh Chương, Nghệ An) - ngôi trường vùng khó khăn ven sông Lam có một học sinh đạt 29 điểm khối C, cũng là á khoa toàn quốc. Chủ nhân điểm số này là Phan Thị Kim Chi – nguyên học sinh lớp 12C1. Nhà Chi nằm lọt giữa mênh mông đồi chè ở xã Thanh Xuân, cách đường mòn Hồ Chí Minh 2km.
Kim Chi là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Gia đình em cũng sống dựa vào 1ha chè và công đi phụ hồ, bốc vác thuê của bố mẹ. Hết lớp 9, bạn bè cùng trang lứa trong xã đã bỏ học phân nửa, “chạy theo kinh tế” vào miền Nam làm công nhân.
Nhưng cô bé xin bố mẹ được tiếp tục học lên cấp 3 – như trở thành một người lạ ở làng. Nhà cách trường hơn 15km, mỗi ngày, Chi dậy sớm, chở các em đi học rồi mình mới tới trường. Buổi trưa, em quay về lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, buổi chiều lại vội quay đến trường học tiếp. “Có những lúc em cũng thấy mệt.
Bố mẹ hoài nghi, so sánh con gái học nhiều làm gì, nếu học đại học mà thất nghiệp thì lại không bằng các bạn xung quanh đi làm công nhân. Nhưng em cố gắng thuyết phục lại bố mẹ, nếu học giỏi, có năng lực thì sẽ tìm được chỗ đứng cho mình”, Kim Chi tâm sự
Với quyết tâm như vậy, Chi học tập, ôn thi một cách chăm chỉ, nghiêm túc, không học tủ bất cứ bài nào. Ở vùng quê trung du nghèo này, em không có điều kiện mà cũng không biết học thêm ở đâu. Tất cả kiến thức đều học từ thầy cô giáo ở trường và tự đọc thêm sách, tài liệu.
Em cũng thường xuyên luyện đề trên mạng Internet với chiếc điện thoại cũ, và tham gia hết các cuộc thi thử. “Trong những lần thi thử, điểm em tương đối cao nên em cũng tự tin mình đạt kết quả tốt tại kỳ thi thật.
Nhưng được 29 điểm, cao thứ 2 cả nước là bất ngờ quá lớn đối với em. Em cũng đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành yêu thích của mình là Luật Kinh tế, Trường ĐH Luật Hà Nội”, nữ sinh chia sẻ.
Những ngày qua, trong lúc đi bốc gạch thuê, mẹ Chi không may gặp tai nạn bị thương ở tay. Bố chăm sóc mẹ ở bệnh viện, buổi trưa tranh thủ đảo về nhà với con. Nhắc đến kết quả thi của Kim Chi, gương mặt sạm đen cháy nắng của người cha nở nụ cười phấn khởi: “Mừng chứ! Bây giờ cũng vẫn lo không nuôi con học đại học được, nhưng nhà trường, thầy cô giúp đỡ, con gái quyết rồi, thì bố mẹ cũng phải cố gắng theo”.
Còn với Chi, nhìn thấy niềm vui mình đem lại cho bố mẹ, em cũng tự tin hơn. Bởi quan trọng hơn điểm số, là “em đã chứng minh được bố mẹ đã đúng khi đầu tư cho em tiếp tục học lên cấp 3”. Là chị của 3 đứa em, nên Kim Chi tỏ ra tháo vát, biết tính toán mọi việc. “Học tập ở Hà Nội sẽ là một gánh nặng lớn đối với bố mẹ, vì còn phải lo cho các em ăn học.
Ngoài ra, gia đình em cũng không có người thân quen, họ hàng để nhờ cậy. Nhưng em sẽ vừa đi học, vừa làm thêm, đỡ đần cho bố mẹ nhiều nhất. Em không ngại vất vả, vì mình là con nhà nông, cứ chăm chỉ, nỗ lực thì sẽ vượt qua được khó khăn thôi”, nữ sinh lớn lên từ đồi chè bày tỏ.
Ước mơ của nữ sinh có cha mang tiền án
“Năm lớp 11, em từng nghĩ mình sẽ bỏ học, không xuống trường nữa”, Lô Thị Kim Phượng (dân tộc Thái) nói, giọng run run cố giấu nước mắt. Khi trúng tuyển vào Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, em đã nuôi mơ ước sẽ học tốt để có một nghề nghiệp, vị trí trong xã hội.
Cuộc sống gia đình nơi tái định cư thủy điện bản Vẽ (ở xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) còn lắm nhọc nhằn, nhưng đi học, Phượng có chế độ trợ cấp của Nhà nước. Em không phải lo chi phí học tập, nơi ăn chốn ở. Vậy mà chưa đầy 1 năm học nội trú, Phượng nhận tin ở nhà bố đã bị bắt vì tội tàng trữ trái phép chất ma túy.
Bố của Phượng là Lô Văn Tuấn (sinh năm 1985), cách đây hơn 15 năm cùng vợ con rời bản cũ ở xã Kim Đa (huyện Tương Dương) xuống Ngọc Lâm tái định cư. Cả gia đình chỉ có 1 thửa ruộng trồng lúa ăn từng vụ. Hết mùa, 2 vợ chồng chia nhau đi làm thuê: Bốc gỗ, bóc vỏ keo, làm cỏ mía... Những ngày đó, nghe lời rủ rê, anh sa ngã, trở thành con nghiện lúc nào không hay biết.
Cai nghiện trở về, chẳng được bao lâu, anh lại sa ngã. Anh lén lút tìm cách mua, cất giữ ma túy để dùng mỗi khi lên cơn thèm. Lần này, anh bị bắt, đưa đi cải tạo 2 năm ở Quảng Bình để lại sau lưng người vợ mới hơn 30 tuổi, một mình cáng đáng, nuôi con ăn học.
Cô con gái lớn học cuối năm lớp 10, đã biết suy nghĩ mọi chuyện, vừa thương, vừa trách giận bố vô cùng. “Em đã rất suy sụp, buồn, mặc cảm với bạn bè, thầy cô, mọi người xung quanh. Trong suy nghĩ của em lúc đó, chỉ muốn trốn khỏi trường lớp, bỏ học về nhà, đi làm thuê hay việc gì cũng được, giúp mẹ nuôi em gái”, cô bé nhớ lại.
Nghe tin về biến cố của Phượng, các thầy cô ở trường liên tục gọi điện, chia sẻ, động viên, giúp cô học trò thấy mình còn có chỗ dựa, không tự trách bản thân, không để lỗi lầm của người cha trở thành nỗi ám ảnh, tự ti mà từ bỏ việc học hành. Vậy là Phượng quay trở lại trường sau hè năm lớp 10, dù “tư tưởng của em vẫn chưa ổn”, em nói.
Năm học mới với nhiều hoạt động bận rộn dần dần khiến em tạm quên đi nỗi buồn của mình. Phượng tìm lại được động lực, cố gắng học tập theo đuổi ước mơ thi vào ngành Kiểm sát. Đó cũng là cách để em khẳng định giá trị bản thân mình.
Ước mơ của Phượng tưởng chừng đã nằm trong tầm tay, khi em giành được 28,25 điểm khối C (Ngữ văn 8,75 - Lịch sử 10 - Địa lý 9,5) tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đây cũng là điểm xét tuyển đại học cao nhất của Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An năm nay, mà chủ nhân lại là nữ sinh từng muốn bỏ học. Ngày biết điểm, bố Phượng cũng vừa được trả tự do trở về.
Nhưng cuối cùng, cô nữ sinh dân tộc Thái vẫn phải từ bỏ ngành học mình yêu thích, bởi cha mang tiền án, lý lịch của em không đạt yêu cầu. “Em hụt hẫng và cũng buồn lắm, nhưng phải chấp nhận.
Bây giờ, em đã chuyển nguyện vọng của mình sang ngành Sư phạm Tiểu học, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Bố vừa trở về, gia đình còn vất vả lắm, lựa chọn sư phạm em sẽ đỡ lo về học phí. Nhưng tiền đi làm thuê của bố mẹ, sợ không đủ nuôi 2 chị em ăn học...”, Phượng chia sẻ.
Trong suốt câu chuyện, bố của Phượng chẳng biết nói gì, ánh mắt ngập ngừng, lảng tránh. Nhưng anh cũng không giấu được vẻ tự hào, khi biết con gái đạt điểm cao. Người đàn ông tuổi đời vẫn còn trẻ, nhắc lại chuyện đã qua thì lắc đầu: “Sẽ không dính vào ma túy nữa, hứa với con rồi.
Mình đi làm, để con được đi học”. Đó cũng là điều mong mỏi, chờ đợi lớn nhất của Phượng ở cha của mình, khi em vẫn còn nhiều ngổn ngang trước ngưỡng cửa ĐH.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tre/muon-hoc-de-thoat-bun-IgLmpZH7R.html