Muôn màu sản vật Hà Lâu

Đến huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), tôi được dịp trải nghiệm phiên chợ vùng cao Hà Lâu. Sau nhiều năm gián đoạn, chợ phiên Hà Lâu mới được phục dựng và hiện trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, giới thiệu nhiều sản vật của địa phương.

Dạo quanh một vòng phiên chợ Hà Lâu, tôi được chị Vy Thị Lằm, một người dân bản địa giới thiệu sản vật quê hương. Chị đon đả mời tôi nếm thử quả vả rừng. Bụng bảo dạ, quả này sao ăn được. Thấy ánh mắt tôi ngần ngại, chị Lằm giải thích: “Quả vả rừng ăn tốt lắm! Quả này dùng tay bóc vỏ ăn khá ngọt. Nhưng nếu không biết mà dùng dao gọt vỏ thì ăn vào sẽ có cản giác bị say như say rượu”. Quả thật khi tôi ăn thử, quả vả rừng có vị ngọt thanh mà giá chỉ 2.000 đồng/quả.

Qua tìm hiểu được biết, đặc sản có giá trị nhất của xã Hà Lâu chính là nấm chẹo. Giá của nấm chẹo ngay tại chợ phiên Hà Lâu lên tới 2,3 triệu đồng/kg. Khi tôi thắc mắc vì sao nấm chẹo lại đắt thế, chị Vy Thị Lằm giải thích: “Nấm chẹo có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là đối với người đang ốm và sau sinh. Nấm chẹo có tác dụng hồi phục sức khỏe, ngăn chặn một số bệnh hiểm nghèo. Sở dĩ nấm chẹo đắt vì sản vật này rất khó khai thác. Thường nấm chẹo chỉ mọc vào thời điểm lúc 2 giờ sáng và người dân phải chong đèn đi hái. Điều đặc biệt của nấm chẹo là nó rất kỵ hơi người, cũng là rừng tự nhiên nhưng nếu có đông người ra vào thì sẽ không thấy nấm chẹo. Nấm có tán rộng, cây nấm to bằng chiếc bát ăn cơm. Một người khỏe mạnh, thông thạo địa hình thì giỏi lắm một ngày chỉ hái được 1kg nấm tươi (tương đương 1 lạng khô)”.

 Chợ phiên Hà Lâu có nhiều sản vật phong phú.

Chợ phiên Hà Lâu có nhiều sản vật phong phú.

Với người dân bản địa, nấm chẹo được hầm với chân giò mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Cũng có nhiều người dùng nấm chẹo nấu với các món lẩu. Nấm chẹo có thể được xào với mỡ lợn hoặc thịt bò sẽ rất ngon. Ngoài ra, nấm chẹo còn để hầm xương lợn với vị ngọt của nấm với chất béo của xương. Được biết, người vùng cao thường dùng canh nấm chẹo để giải rượu. Cũng bởi sự quý hiếm của nấm chẹo mà sản vật này thường cung không đủ cầu.

Nhanh tay chọn mua mấy mớ rau dớn rừng và măng mai khô, chị Vũ Thị Loan (TP Hạ Long, Quảng Ninh) chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi được dự chợ phiên Hà Lâu, thấy rằng ở đây toàn bán đặc sản. Tôi mua rau dớn rừng về để ăn với lẩu gà Tiên Yên. Còn măng mai khô có thể hầm với vịt hoặc chân giò lợn. Tôi thấy yên tâm với những sản vật ở đây, người bán rất thân thiện, mến khách”.

Hà Lâu là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Ninh. Với 99% người dân là dân tộc thiểu số, người dân xã Hà Lâu chủ yếu làm kinh tế nông lâm nghiệp. Cuộc sống xa chợ, nên nhu cầu trao đổi, mua bán nơi đây rất cần thiết. Ông Vy Đức Phúc, Chủ tịch UBND xã Hà Lâu cho biết: “Chợ phiên Hà Lâu có từ năm 1965. Chợ mới được phục dựng lại từ năm 2018, là nơi hội tụ, trao đổi mua bán sản vật địa phương của người dân tộc Dao Thanh Y, Tày, Sán Chỉ. Chợ còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và khuyến khích bà con tăng năng suất lao động. Xã Hà Lâu đã về đích nông thôn mới trước một năm và đã hoàn thành chương trình xóa đói, giảm nghèo. Chợ phiên tổ chức vào chủ nhật hằng tuần và mỗi tháng phiên chợ được tổ chức lớn hơn. Chúng tôi hy vọng trước năm 2025, chợ phiên Hà Lâu sẽ trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách gần xa”.

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/muon-mau-san-vat-ha-lau-643350