Mượn, thuê tài sản rồi chiếm đoạt

Thời gian qua, bên cạnh các loại tội phạm như trộm cắp, cướp tài sản thì tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cũng có nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an tỉnh đã khởi tố 12 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với tài sản chủ yếu là ô tô, xe máy. Các đối tượng dựa vào lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản, bất chấp quy định pháp luật.

* Lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt tài sản

Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Phú cho hay, hiện có nhiều người thông qua mối quan hệ quen biết để lợi dụng lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản. Thông thường những người thân, bạn bè không đề phòng lẫn nhau nên có tình trạng vay, mượn tài sản rồi mang đi bán hoặc cầm cố, sau đó bỏ trốn.

Do có quen thân từ trước nên Nguyễn Hào Tuấn Kiệt (32 tuổi, ngụ phường Xuân An, TP.Long Khánh) thường xuyên đến quán cà phê Torino (phường Xuân An) của bà N.T.L.T. để chơi. Vào cuối tháng 2-2019, Kiệt mượn bà T. chiếc xe máy biển số 60B2-151.62 để đi công việc.

Theo luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư tỉnh, theo Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào vay, mượn, thuê tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Trường hợp chiếm đoạt từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng sẽ bị phạt tù từ 5-12 năm.

Mượn được xe, Kiệt đến tiệm internet chơi game hết tiền rồi mang xe máy của bà T. đi cầm cố lấy 12 triệu đồng. Với số tiền đó, Kiệt đã “nướng” hết vào tiệm chơi game. Sau khi nhận đơn tố cáo của bà T., Công an TP.Long Khánh đã tiến hành xác minh và bắt giữ Kiệt điều tra về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vào đầu năm 2019, Công an huyện Định Quán nhận được đơn tố cáo của ông Nguyễn Hữu Tám (ngụ xã Túc Trưng, huyện Định Quán) về việc bị Phạm Minh Trí (37 tuổi, ngụ cùng xã) chiếm đoạt chiếc xe máy biển số 60B4-293.99.

Theo ông Tám, từ năm 2018, Trí và ông Tám có quen biết với nhau, cùng thuê chung phòng trọ tại xã Túc Trưng. Cuối năm 2018, Trí mượn xe của ông Tám để đi chợ nhưng mãi không thấy về trả. Sau đó ông Tám nhiều lần gọi điện và nhắn tin yêu cầu Trí trả xe nhưng đối tượng không bắt máy. Thấy Trí ngoan cố nên ông Tám đã đến công an trình báo sự việc. Đến tháng 2-2019, Trí bị bắt và khai nhận do chơi game và không có tiền tiêu xài nên Trí mượn xe của ông Tám đem đi cầm được 8 triệu đồng. Sau khi chơi game sạch túi không còn tiền trả thì Trí liền “đánh bài chuồn”.

Ngoài việc lợi dụng lòng tin của bạn bè, người thân thì nhiều đối tượng còn dùng thủ đoạn tinh vi hơn bằng cách thuê xe ở các cơ sở cho thuê xe tự lái rồi mang tài sản đi cầm cố hoặc bán với giá rẻ. Để tạo được lòng tin của chủ xe, các đối tượng thường xuyên thuê xe và thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng về thời gian, địa điểm và chi phí phải thanh toán. Sau khi được chủ xe tin tưởng giao xe cho thuê đi xa thì các đối tượng này thực hiện hành vi chiếm đoạt bằng cách đem xe đi cầm và cắt đứt liên lạc với chủ xe.

Điển hình như Đinh Văn Vĩnh (37 tuổi, ngụ huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là người thường xuyên thuê xe ô tô nhà xe Thanh Phong (xã Phú Sơn, huyện Tân Phú) do anh Nguyễn Văn Thịnh làm chủ với giá 600 ngàn đồng/ngày.

Khi lấy được lòng tin của anh Thịnh, cuối năm 2018, Vĩnh thuê xe đi Đà Lạt nhiều ngày. Đến hạn trả xe, anh Thịnh không liên lạc được với Vĩnh nên trình báo công an. Qua quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Vĩnh đã đem xe thuê của anh Thịnh đi cầm được 150 triệu đồng (trị giá xe gần 300 triệu đồng) rồi bỏ trốn. Đến ngày 19-2 thì Vĩnh bị bắt giữ theo quyết định truy nã.

* Nâng cao ý thức tự phòng, tự quản

Đại úy Nguyễn Văn Dũng, Phó đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp Công an huyện Tân Phú cho biết: “Đối tượng lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thường lười lao động, nghiện game hoặc nghiện ma túy, có tiền án, tiền sự... Sau khi gây án, các đối tượng thường bỏ trốn nên gây khó khăn trong quá trình xác minh và truy bắt”.

Trong khi đó, một cán bộ Công an huyện Định Quán cho biết, hiện nay công tác đấu tranh, phòng ngừa với loại tội phạm này còn gặp nhiều khó khăn do sự lơ là, mất cảnh giác của cá nhân cho mượn hoặc chủ cơ sở cho thuê xe. Nhiều người khi cho mượn xe thường để giấy tờ vào cốp xe nên tạo điều kiện phạm tội cho kẻ gian. Bên cạnh đó, ý thức tự phòng, tự quản của chủ cơ sở kinh doanh chưa cao. Đặc biệt, vì lợi nhuận trước mắt mà nhiều chủ xe, chủ cơ sở cầm đồ vẫn chấp nhận cầm cố tài sản không có nguồn gốc rõ ràng.

Do đó, theo các cơ quan công an, cùng với sự nỗ lực đấu tranh phòng, chống tội phạm của lực lượng công an trong việc điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội thì người dân phải nâng cao ý thức cảnh giác khi cho thuê hoặc cho mượn tài sản. Với những cơ sở cho thuê xe thì cần lắp đặt hệ thống định vị, giám sát hành trình để tránh khách hàng thuê xe mang đi cầm hoặc bán. Đặc biệt là cơ sở cầm cố tài sản phải chấp hành đúng quy định pháp luật, tìm hiểu kỹ nguồn gốc, xuất xứ tài sản nhận cầm cố để ngăn ngừa các đối tượng phạm tội.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201907/muon-thue-tai-san-roi-chiem-doat-2957131/