Mường Chà phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người

ĐBP - Hiện nay đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi liên tục, tạo điều kiện cho các mầm bệnh phát triển, nhất là những bệnh truyền nhiễm ở người. Do đó, việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở người là rất cần thiết. Huyện Mường Chà đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người, đặc biệt là ở vùng cao.

Huyện Mường Chà có 13 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 90% tổng dân số toàn huyện. Người dân vẫn còn giữ phong tục tập quán cũ, nhận thức và chăm sóc sức khỏe, y tế… không đồng đều, nên việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người là rất cần thiết. Để chủ động triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ khống chế kịp thời, không để dịch lan rộng và giảm tỷ lệ mắc, tử vong do các bệnh truyền nhiễm gây ra, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội, huyện Mường Chà đã có kế hoạch cụ thể, triển khai tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người.

Trong đó, tăng cường trách nhiệm của UBND các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng phòng bệnh nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen cho cộng đồng trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức truyền thông như: Thông qua truyền thanh truyền hình huyện, hệ thống loa truyền thanh xã; pano, tờ rơi, tờ gấp và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng. Nội dung, phương pháp tuyên truyền phong phú, ngắn gọn, cụ thể đã giúp người dân trên địa bàn huyện Mường Chà dễ tiếp thu và thực hiện nghiêm những biện pháp phòng chống dịch...

Xã Mường Mươn, huyện Mường Chà hiện có 11 bản với 4.464 nhân khẩu, gồm 4 dân tộc anh em sinh sống (Mông, Khơ Mú, Thái và Kinh), trong đó trên 54% là đồng bào dân tộc Mông vẫn giữ một số tập quán lạc hậu trong công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm, dẫn đến nhiều người khi mắc bệnh thường chữa theo phong tục, tập quán của mình, không đến trạm y tế khám chữa bệnh, nhiều trường hợp bệnh rất nặng dẫn đến tử vong.

Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn cho biết: Công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người luôn được Đảng ủy, HĐND, UBND xã quan tâm và phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân lồng ghép tại các cuộc họp thôn, bản tuyên truyền về phòng, chống bệnh truyền nhiễm và hướng dẫn bà con trong công tác tiêm chủng phòng bệnh nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen cho cộng đồng trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khai báo cho cơ quan y tế địa phương khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh...

Để ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh truyền nhiễm ở người, UBND huyện Mường Chà đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện, Trạm Y tế các xã, thị trấn tăng cường công tác giám sát bệnh truyền nhiễm gây dịch ở các xã, thị trấn; giám sát chặt chẽ vùng có nguy cơ cao (ổ dịch cũ, vùng lân cận và khu vực biên giới); chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời, cấp cứu bệnh nhân, xử lý ổ dịch triệt để nhằm hạn chế lây lan và không để dịch bệnh lan rộng, bùng phát. Chú trọng các nhóm dịch nguy hiểm cúm A(H5N1), cúm A(H1N1) và các bệnh truyền nhiễm nguy cơ cao như: bệnh dại, tay chân miệng, sởi, viêm não vi rút, viêm não Nhật Bản B, bệnh than; đồng thời, đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi đạt trên 95% quy mô xã, thị trấn; tiêm chủng các loại vắc xin khác trong tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao theo kế hoạch của chương trình đề ra.

Tuyết Anh (VP UBND tỉnh)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/187398/muong-cha-phong-chong-dich-benh-truyen-nhiem-o-nguoi