Mường Chà tuyên truyền đẩy lùi hủ tục

ĐBP - Huyện Mường Chà hiện có trên 50.000 người với 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 93%. Những năm trước đây, một số tập tục không còn phù hợp vẫn tồn tại, ăn sâu trong tiềm thức của đồng bào như: Ðể người chết trong nhà nhiều ngày, tổ chức cưới hỏi kéo dài, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, sinh nhiều con... còn khá phổ biến đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Chính vì vậy, kiên quyết xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống mới, nâng cao dân trí là mục tiêu mà Mường Chà đang quyết tâm thực hiện.

Phụ nữ xã Sa Lông (huyện Mường Chà) tìm hiểu tác hại của việc sinh nhiều con trên tờ rơi, tờ gấp

Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, người có uy tín

“Ðể tuyên truyền cho người dân hiểu, trước hết gia đình mình phải gương mẫu làm trước thì nói người dân mới nghe. Hộ nào đến ban ngày không gặp thì mình đến nhà buổi tối, nói một lần không được thì nói hai, ba lần, nói cho bà con hiểu và làm theo mới thôi” - Ðó là những lời tâm sự của ông Vàng Dụ Dính (76 tuổi), người có uy tín ở bản Huổi Bon 2, xã Pa Ham, huyện Mường Chà khi nói về việc tuyên truyền vận động người dân trong bản xóa bỏ hủ tục trong tổ chức tang ma.

Qua lời kể của ông Dính, được biết, những năm trước đây, mỗi lần gia đình nào trong bản có đám tang là phải tổ chức ăn uống linh đình nhiều ngày. Quy định số trâu, bò, lợn, gà phải mổ trong đám tang cũng rất rườm rà, tốn kém. Nếu gia đình nào có điều kiện thì mổ 2 con trâu, gia đình nào không có điều kiện thì mổ 1 con lợn để cúng người đã khuất và mời dân bản đến ăn. Họ thường giữ thi thể người chết trong nhà lâu ngày (quá 48 giờ), dựng xác chết ở góc nhà từ 3 đến 4 ngày, thậm chí là 5 ngày, 7 ngày; người chết không cho vào áo quan. Nhiều thi thể khi mang đi chôn đã bắt đầu có dấu hiệu phân hủy. Bên cạnh đó là việc cạy miệng người chết để cho thức ăn vào khi đến giờ ăn, bởi theo họ, con cháu thay nhau bón cơm cho ông bà, cha mẹ là để tỏ lòng tôn kính, trả công ơn, tình nghĩa cho người quá cố.

Ðể vận động người dân xóa bỏ hủ tục, ông Dính đã cùng với những người có uy tín khác trong bản, phối hợp với cán bộ Trạm Y tế xã, cán bộ xã kiên trì giải thích, tuyên truyền cho người dân hiểu được những hậu quả của việc tang ma dài ngày và hủ tục bón cơm cho người chết là rất nghiêm trọng. Vì hầu hết người chết là người đã mắc bệnh, trong đó vi khuẩn có thể lây truyền qua không khí gây mất vệ sinh môi trường và có thể bùng phát dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người còn sống. Nhờ đó, người dân dần tin tưởng, ủng hộ và xóa bỏ dần các hủ tục. Ðến nay, hầu hết các gia đình đều tổ chức tang ma theo nếp sống văn hóa mới.

Không chỉ riêng bản Huổi Bon, nhiều địa bàn khác trên địa bàn huyện Mường Chà nhờ có sự tuyên truyền tích cực của già làng, người có uy tín mà các hủ tục về tang ma đã giảm rõ rệt. Theo thống kê, từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện có 153 đám tang thì chỉ còn 4 đám tang là không thực hiện theo nếp sống văn hóa mới.

Ðược biết, huyện Mường Chà hiện có hơn 120 già làng, trưởng bản, người có uy tín. Với tinh thần trách nhiệm cao, những năm qua, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước thôn bản, xây dựng làng bản, gia đình văn hóa, xóa bỏ các hủ tục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới...

Các giải pháp đồng bộ

Xác định rõ, để thay đổi tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số, vấn đề cốt lõi đó là nâng cao nhận thức của nhân dân, nên cấp ủy, chính quyền các cấp ở Mường Chà đã đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động. Công tác này vừa giúp đồng bào hiểu rõ những tác hại của các hủ tục, vừa hướng bà con tham gia những hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh. Ðó cũng là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới. Từ đầu năm đến nay, công tác tuyên truyền được huyện lồng ghép với tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: Lồng ghép với các cuộc họp bản, tổ dân phố với tổng số 281 cuộc cho trên 15.850 lượt người tham gia; treo trên 270 băng rôn, khẩu hiệu; 160 cờ hội, cờ chuối các loại; tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động 51 lượt; 80 buổi hoạt động của đội thông tin lưu động; xây dựng 210 tin, bài, phóng sự phát trên Ðài Truyền thanh - truyền hình huyện, Ðài Truyền thanh các xã tuyên truyền về phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH). Ðồng thời, UBND huyện đã cấp trên 100 triệu đồng để phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã trong triển khai phong trào.

Ông Nguyễn Minh Phú, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ đạo phong trào “TDÐKXDÐSVH” huyện Mường Chà cho biết: Những thói quen sinh hoạt, những tập tục lạc hậu đã ăn sâu và vẫn còn in đậm trong nếp nghĩ của bà con dân tộc thiểu số qua nhiều thế hệ. Vì vậy, để vận động nhân dân xóa bỏ được những hủ tục trên không phải ngày một ngày hai mà phải là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ. Ðây là việc làm cần sự chung tay, chung sức và trách nhiệm, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, biết tôn trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc nhưng cũng linh hoạt, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” để từng bước loại bỏ những thói quen, tập quán lạc hậu.

Bên cạnh đó, huyện cũng lồng ghép việc xóa bỏ các hủ tục với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, trong đó lấy tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng và vệ sinh môi trường nông thôn gắn với việc đánh giá, công nhận các gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, tảo hôn.

Với những cách làm hay, việc tập trung tuyên truyền xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới đã được người dân Mường Chà hưởng ứng tích cực. Tính đến nay, toàn huyện có 124/124 bản, tổ dân phố có Quy ước bản, tổ dân phố được UBND huyện phê duyệt và đưa vào thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện có: 316 đám cưới (trong đó 297 đám cưới thực hiện nếp sống văn minh). Các lễ hội diễn ra đầu năm được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, phong tục tập quán và truyền thống dân tộc. Phong trào Xây dựng bản, tổ dân phố văn hóa đã được triển khai sâu rộng, số bản đăng ký là 99/95 bản, tổ dân phố đạt 104,2% kế hoạch giao, so với tổng số thôn, bản, tổ dân phố trong toàn huyện đạt 79,8% (99/124); 4/4 xã đăng ký “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, đạt 100% kế hoạch giao; thị trấn đăng ký “Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”. Những kết quả trên chính là tiền đề quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm xóa bỏ những hủ tục để xây dựng nếp sống mới, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ huyện Mường Chà lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra.

Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/174978/muong-cha-tuyen-truyen-day-lui-hu-tuc