Mưu sinh trên đá biển

Khi nước rút, những người phụ nữ vùng xã đảo Nghi Sơn (thị xã Nghi Sơn) lại cùng nhau ra bãi đá ven vụng biển Nghi Sơn cạy hàu, vừa là cách kiếm thêm thu nhập, cho bữa cơm gia đình thêm phong phú vừa như các tạo nguồn vui cho cuộc sống của mình.

Không chỉ góp phần tạo điểm nhấn cho bức tranh phong cảnh nơi xã đảo Nghi Sơn thêm sinh động, phóng khoáng, bãi đá như dấu gạch nối giữa cư dân nơi đây với biển cả.

Bao đời nay, biển nuôi dưỡng nhiều thế hệ người dân xã đảo Nghi Sơn. Không chỉ bằng những chuyến vươn khơi đầy ắp tôm cá, những lồng nuôi cá trên biển… những tảng đá lỗ chỗ, chi chít những con hàu bám xung quanh là nguồn lợi mà mẹ biển hào phóng ban tặng, tạo kế sinh nhai cho nhiều người dân nơi đây.

Người cạy hàu trên bãi đá chủ yếu là phụ nữ trong vùng, là công việc làm thêm, tranh thủ những khi nước rút.

Đồ nghề cạy hàu rất đơn giản, thô sơ. Ngoài đôi bàn tay khéo léo, thạo nghề thì người cạy hàu chỉ cần trang bị cho mình chiếc búa nhỏ có hai đầu nhọn dài và đồ dùng đựng hàu. Theo quan sát và kinh nghiệm, họ lựa chọn các tảng đá có hàu bám bên trên, tỉ mẩn, cặm cụi ngồi làm việc.

Chiếc búa gõ vào vỏ hàu kêu “cách, cách”, vỏ tách ra để lộ ruột hàu trắng nõn bên trong. Người dân dùng tay bóc ruột hàu ra cho vào vật đựng.

Chẳng mất vốn, chỉ mất công, lại có thêm thu nhập nhưng nghề cạy hàu cũng lắm vất vả, nhọc nhằn khi phải làm việc hàng giờ dưới trời nắng gắt, hàu cứa vào tay, vào chân chảy máu, đau điếng… khiến sức khỏe giảm sút, tay chân chai sạn, nứt nẻ…

Tuy nhiên, những người phụ nữ nơi đây, thế hệ này qua thế hệ khác vẫn kiên trì, miệt mài với nghề cạy hàu trên bãi đá này, phần vì mưu sinh, phần vì sự gắn bó với nghề, với biển.

Bùi Hương Thảo

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/muu-sinh-tren-da-bien/21721.htm