Mỹ – Anh thiết lập quan hệ đối tác kinh tế mới

Nhân chuyến thăm Washington của Thủ tướng Rishi Sunak, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Anh đã ký Tuyên bố Đại Tây Dương. Theo trang The Guardian, đây là thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đưa Anh vào quỹ đạo kinh tế của Mỹ và đánh dấu sự hồi sinh quan hệ song phương sau nhiều sóng gió liên quan đến Brexit.

Tiết lộ về Tuyên bố Đại Tây Dương trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Joe Biden tại Nhà Trắng ngày 8-6 (giờ Washington), Thủ tướng Sunak nhấn mạnh những liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nước được thiết kế để củng cố an ninh kinh tế nhằm đối phó với các mối đe dọa.

Với Tuyên bố Đại Tây Dương, hai nước nhất trí thúc đẩy quan hệ thương mại trong các lĩnh vực chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông 5G và 6G, máy tính lượng tử, chất bán dẫn và công nghệ sinh học, với những cam kết nới lỏng các rào cản bảo hộ, thắt chặt hơn nữa quan hệ quốc phòng và hợp tác trong bảo vệ dữ liệu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak tại Nhà Trắng. Ảnh: AP

Giới chuyên gia nhận định Tuyên bố Đại Tây Dương về mặt nào đó không khác gì một loạt thỏa thuận kinh tế nhỏ. Tuy nhiên, tính biểu tượng của tuyên bố này rất quan trọng, đánh dấu sự thay đổi từ phương châm gần đây của Anh về thương mại tự do không bị ràng buộc sang ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ lẫn nhau.

Thủ tướng Sunak ca ngợi thỏa thuận này là “quan hệ đối tác kinh tế mới cho một thời đại mới, một loại hình chưa từng có trước đây”. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định thỏa thuận này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty của Anh, đáp ứng những cơ hội và thách thức cụ thể mà đất nước này phải đối mặt ở hiện tại và trong tương lai.

Được coi là một nhượng bộ của Mỹ, Tuyên bố Đại Tây Dương sẽ giúp giảm các tác động của đạo luật giảm lạm phát mà Tổng thống Joe Biden đã ký ban hành tháng 8-2022, thông qua một thỏa thuận về khoáng sản quan trọng cho phép các khoáng sản chủ chốt để sản xuất pin xe điện được khai thác ở Anh nhận được những lợi ích về thuế theo Đạo luật giảm lạm phát. Đồng thời, Tổng thống Joe Biden sẽ yêu cầu Quốc hội coi Anh là “nguồn nội địa” theo luật mua sắm quốc phòng của Mỹ, giúp thúc đẩy hợp tác nhanh và hiệu quả hơn về công nghệ quân sự mới giữa hai nước.

Tuyên bố Đại Tây Dương được đưa ra sau khi Anh từ bỏ hy vọng về một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ, với việc các quan chức Anh khẳng định cách tiếp cận mới nhằm phản ứng tốt hơn trước những thách thức kinh tế toàn cầu.

Mỹ là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu, chiếm tới 16,6% tổng giá trị thương mại của Anh. Sau khi rời Liên minh châu Âu (EU), Anh từng kỳ vọng đạt được thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, coi đó là lợi ích lớn nhất thời hậu Brexit. Song, đàm phán thỏa thuận thương mại với Anh không nằm trong chương trình nghị sự ưu tiên của Nhà Trắng kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền.

Đối mặt với triển vọng mờ mịt về thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ, Anh đã tìm kiếm các mối quan hệ đối tác thương mại chặt chẽ với từng tiểu bang của Mỹ. Song song với đó, Chính phủ Anh tập trung vào các thỏa thuận có mục tiêu thay vì tìm mọi cách đạt được một thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/my-anh-thiet-lap-quan-he-doi-tac-kinh-te-moi-730746

Theo qdnd.vn

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/588461-my-anh-thiet-lap-quan-he-doi-tac-kinh-te-moi.html