Mỹ: Bầu cử qua đi, chia rẽ quốc gia còn đó
Sáng 8/11, nhiều người Mỹ đổ ra đường mừng chiến thắng của ông Biden, nhưng cũng không ít người tỏ ra buồn rầu vì sự thất thế của ứng cử viên Donald Trump. Có thể xem đây là một lát cắt phản chiếu sự chia rẽ trong các gia đình và cao hơn là chia rẽ quốc gia tại Mỹ.
Bầu cử Mỹ ghi nhận con số kỉ lục: Có đến hơn 75 triệu người Mỹ bỏ phiếu cho ông Joe Biden, ứng cử viên của đảng Dân chủ cùng với bà Kamala Harris, đối tác trong liên minh tranh cử của ông. Bà Harris cũng là phụ nữ Mỹ đầu tiên gần như chắc chắn sẽ trở thành Phó Tổng thống.
Nhưng cũng có một sự thực khác cần ghi nhận: 71 triệu người Mỹ cũng đã bầu cho ông Trump, khiến đương kim Tổng thống Mỹ, ngay cả khi là người thua cuộc, vẫn là ứng cử viên có được phiếu bầu phổ thông nhiều thứ hai trong lịch sử nướ Mỹ, xếp sau chính ông Joe Biden.
Với việc đến thời điểm này chưa chấp nhận công khai kết quả bầu cử, ông Trump không có ý nào khác ngoài kêu gọi phá quấy màn nhảy múa ăn mừng từ số cử tri đặt niềm tin vào ông Biden. Một số đã theo lời kêu gọi của ông Trump. Người ủng hộ ông mở các cuộc biểu tình “Chấm dứt việc Đánh cắp” (Stop the Steal) ngay bên ngoài trụ sở chính quyền các bang trên khắp nước Mỹ, dù những chỉ trích của họ về gian lận bầu cử xuất hiện khi có tin về chiến thắng dành cho ông Biden.
Màn tranh cãi, đối đầu giữa hai nhóm cử tri đã biến thành đụng độ vũ lực ở Sacramento, California hay Salem, bang Oregon. Những thời khắc nhỏ lẻ này phần nào phản ánh tâm lý phổ biến của cử tri Mỹ khi Joe Biden chuẩn bị kết thúc bài phát biểu đề cập đến chiến thắng vào tối ngày 7/11. Đứng trên bục phát biểu với dải là cờ Mỹ ở phía sau, ông Biden khẳng định đây là lúc để khôi phục “tâm hồn quốc gia”, nghĩ về cụm từ đầu tiên và cốt lõi nhất trong Hiến pháp Mỹ: “Chúng ta là một dân tộc”.
Từ kinh nghiệm của chính bản thân mình, ông Biden hiểu rõ đó là một thứ tình cảm rất khó đạt được. Một thời khắc lịch sử diễn ra trước đó không quá lâu, năm 2008, với việc người dân Mỹ bầu ra vị Tổng thống da màu đầu tiên Barack Obama, và người đứng liên danh Phó Tổng thống chính là Joe Biden. Chiến thắng của đảng Dân chủ trong năm đó cũng khiến người dân phấn khích đổ ra đường phố để ăn mừng. Nó cũng từng được xem là thời khắc để vực dậy đoàn kết. Nhưng cảm giác đó không kéo dài.
Joe Biden tuy vậy vẫn nhận thấy cần phải nhắc lại lời kêu gọi về “chữa lành vết thương”, “đoàn kết quốc gia” một lần nữa. Ông nói đến sự cần thiết phải từ bỏ những ngôn từ khó nghe, “hạ nhiệt”, “cùng nhìn vào nhau, lắng nghe nhau”. Lời lẽ của ông dường như hướng tới từng công dân Mỹ, nhưng cũng là cho cả nước Mỹ, như thể là một sự thừa nhận về những rạn nứt xã hội đã tồn tại và được nới rộng thêm trong 4 năm cầm quyền nhiều giông tố của ông Trump.
Tình bạn rạn nứt. Quan hệ đồng nghiệp tại nơi làm việc lạnh đi. Các buổi đoàn tụ gia đình đã buộc phải thay đổi bởi lo ngại những dịp gặp mặt như thế dễ mang tính “sát muối” vào nỗi đau, rạn nứt giữa các thành viên chỉ bởi vì họ đặt niềm tin khác nhau vào hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden.
Đó là tình cảnh của nữ luật sư Dustin Meek ở Louisville, Kentucky. Cô đã phải mất rất nhiều thời gian để định vị chính xác ý niệm chính trị giữa bản thân cô – người tự nhận là cử tri Dân chủ tiến bộ, và những thành viên còn lại trong gia đình sống cách Louisville khoảng 305km, thành phố Ashland thuộc Kentucky vốn là nơi ủng hộ ông Trump.
“Mỗi dịp đoàn tụ, chúng tôi sẽ bắt đầu như thế này: Tối nay không nói chuyện chính trị nhé. Nhưng không thể tránh khỏi tình huống ai đó bung ra một câu chuyện phiếm, hoặc là có chuyện gì đó liên quan và thế là mọi người lại quay sang chỉ trích nhau. Thực sự, tôi phải nói rằng đó là những mối quan hệ căng thẳng. Rất khó để duy trì” - Dustin chia sẻ.
Cô và nhưng thành viên khác trong gia đình thậm chí còn chẳng thể đồng thuận về những gì được coi là “thực tại đương nhiên”. Các thành viên theo dõi những trang mạng mang xu hướng ủng hộ cực hữu, còn Dustin lại tìm kiếm thông tin từ những nguồn tin truyền thống khác, thứ mà ông Trump khuyến khích những người ủng hộ mình đừng bao giờ tin theo.
Về phần mình, dù kết quả ra sao đi nữa, ông Trump đã cho thấy một thực tế: Khối liên minh ủng hộ ông vẫn rất vững chắc. Thậm chí, ông còn cải thiện được số phiếu ủng hộ tại rất nhiều khu vực nông thôn. Thế đứng của ông được thể hiện rõ nét qua những chiến thắng ở Ohio, Iowa, Florida hay Texas.
Ngay cả khi ông Biden vượt trước ông Trump, nhưng chiến thắng sít sao tại nhiều bang lại không cách biệt như các cuộc thăm dò dư luận hay những kỳ vọng trước đó của giới chức đảng Dân chủ. Tại một số bang chủ chốt, ông Trump thậm chí còn có được sự ủng hộ của cử tri da trắng vùng nông thôn, ngoại ô lớn hơn kỳ tranh cử năm 2016.
Hai ông Biden và Trump đại diện cho hai khối cử tri khác biệt nhau. Theo khảo sát trên quy mô lớn với 110.000 người tham dự do AP VoteCast tiến hành trên 50 bang từ ngày 28/10 đến ngày bầu cử 3/11. Số cử tri da trắng ủng hộ ông Trump trong cuộc khảo sát này áp đảo trên phạm vi toàn quốc, với 86%, con số này với ông Biden là 62%. Ông Biden chỉ nhận được 25% ủng hộ của cử tri từ các thị tứ, khu vực nông thông, trong khi tỉ lệ này với ông Trump là 50%.
Giới phân tích nhận định, với 7,3 triệu phiếu bầu nhiều hơn so với kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump vẫn chứng tỏ được thế đứng vững chắc trong nhóm cử tri nòng cốt và phần nào đó đã mở rộng được ảnh hưởng sang nhóm sắc tộc Mỹ Latinh. Đó sẽ là những rào cản để đảng Dân chủ chữa lành vết thương rạn nứt.
“Cạnh tranh quyết liệt trong kỳ bầu cử này cho thấy, đảng Dân chủ sẽ phải tự nhủ rằng ‘ông Trump sẽ vẫn đứng đó’. Ông Trump tiếp tục ghi được chiến thắng bằng thủ thuật chính trị lôi kéo nhiều khối cử tri, sử dụng phong cách cuồng ngôn có nguy cơ làm bùng cháy sắc tộc, văn hóa. Cuộc bầu cử đóng lại, nhưng Mỹ vẫn là đất nước rất, rất chia rẽ”, Karen Finney, chiến lược gia kỳ cựu đảng Dân chủ, người từng là Phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton hồi năm 2016, nhận định.