Mỹ cần xem có thể chung sống hòa bình với Trung Quốc 'hiện đại, mạnh mẽ và thịnh vượng' hay không!
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, Thôi Thiên Khải, nói rằng nước Mỹ cần phải đưa ra một 'lựa chọn cơ bản' về việc liệu họ có thể chung sống hòa bình với một Trung Quốc 'hiện đại, mạnh mẽ và thịnh vượng' hay không.
Đó là phát ngôn mà ông Thôi Thiên Khải đưa ra trong cuộc phỏng vấn độc quyền với phóng viên Fareed Zakaria của CNN hôm Chủ nhật vừa qua, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trải qua giai đoạn căng thẳng.
Hồi đầu tuần trước, truyền thông Mỹ đưa tin Nhà Trắng cân nhắc về việc cấm cửa các quan chức chop bu của chính phủ Trung Quốc, và trong hôm 16/7 Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng cáo buộc Mỹ đàn áp và bắt nạt Trung Quốc.
Phản bác lại tuyên bố của một số nước phương Tây cho rằng dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã trở thành một thế lực hung hang, bành trướng và thô bạo hơn, ông Thôi Thiên Khải nói rằng “mọi người cần phải nhận thức được đầy đủ thực tế của thế giới hiện nay”.
“Chúng tôi chắc chắn là có quyền hợp pháp được xây dựng đất nước chúng tôi trở thành một nước hiện đại, mạnh mẽ, thịnh vượng, giống như mọi quốc gia khác trên thế giới” – vị Đại sứ trả lời.
“Tôi nghi x rằng câu hỏi cơ bản với nước Mỹ rất đơn giản” – ông nói thêm – “Liệu nước Mỹ có sẵn sàng hoặc sãn lòng sống chung với một quốc gia rất khác với nền văn hóa rất khác biệt, hệ thống chính trị và kinh tế rất khác biệt…trong hòa bình và hợp tác để giải quyết những thách thức ngày càng tăng của thế giới hay không?”.
Hong Kong
Ngày 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra sắc lệnh nhằm hủy mối quan hệ đặc biệt với Hong Kong, một động thái nhằm phản ứng lại việc Bắc Kinh áp dụng luật an ninh quốc gia mới với thành phố này. Hiện trạng đặc biệt của Hong Kong trước đây giúp thành phố này được miễn trừ một số hàng rào thuế quan, và nhận được một số đặc lợi khác.
Những người chỉ trích luật an ninh quốc gia của Trung Quốc cho rằng luật này làm giảm sự tự do chính trị và pháp lý vốn đã được duy trì ở Hong Kong kể từ khi Anh trao trả lại thành phố này cho Trung Quốc năm 1997.
Luật đưa ra thêm 4 tội danh mới: ly khai, phá hoại, hoạt động khủng bố và câu kết với một nước bên ngoài. Mức án cao nhất là tù chung thân. Bộ luật cũng khiến cho công dân nước ngoài chỉ trích chính phủ Trung Quốc dù ở bất cứ đâu cũng chịu rủi ro bị bắt giữ nếu như họ đặt chân tới Hong Kong.
Tuy nhiên, Đại sứ Thôi Thiên Khải nhắc lại mà rất nhiều quan chức Trung Quốc đại lục và Hong Kong từng nói trong những tuần qua: Rằng luật mới vẫn duy trì “hệ thống Một quốc gia, Hai hệ thống” ở Hong Kong, và sẽ giúp cho thành phố này “ổn định hơn”.
“Người dân sẽ có một môi trường an toàn hơn, dễ đoán định hơn để có thể làm ăn kinh doanh ở Hong Kong. Đó là mục đích chính của bộ luật này” – ông Thôi Thiên Khải nói.
Tân Cương
Tuần trước, chính quyền Bắc Kinh công bố các lệnh trừng phạt nhằm vào giới chức Mỹ, trong đó có Thượng nghị sĩ Marco Rubio và Ted Cruz, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt liên quan tới cách mà chính quyền Trung Quốc giải quyết vấn đề ở Tân Cương.
Lệnh trừng phạt mà Washington áp đặt với giới chức Trung Quốc bao gồm đóng băng tài sản ở Mỹ và một lệnh cấm ngăn công dân Mỹ làm ăn với họ. Những cá nhân bị Mỹ cấm vận cũng bị hạn chế thị thực, khiến họ và gia đình không thể đặt chân tới nước Mỹ.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Thôi Thiên Khải bác bỏ mọi các buộc liên quan tới người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. “Tôi không biết tất cả những lời thêu dệt ngớ ngẩn này rồi sẽ đi đến đâu”; ông nói, thêm rằng có nhiều người đang phán xét dựa trên những báo cáo lấy từ “những nguồn đáng ngờ”.
Biển Đông
Hôm đầu tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định rằng Mỹ bác bỏ phần lớn các tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông. Trung Quốc coi phần lớn trong tổng số diện tích 1,3 triệu dặm vuông trên Biển Đông là thuộc chủ quyền của họ, và trong những năm gần tang cường quân sự hóa một số hòn đảo.
Năm 2016, tòa quốc tế ở The Hague ra phán quyết có lợi cho Philippines trong tranh chấp hàng hải, kết luận rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để tuyên bố quyền lịch sử với phần lớn vùng biển này.
Trong cuộc phỏng vấn, ông Thôi Thiên Khải nói rằng Trung Quốc “sẽ không tham gia vào một phán quyết như vậy” và nó “không dựa trên bất cứ cơ sở pháp lý chắc chắn nào”.
“Chúng tôi có quan điểm rất mạnh mẽ về chủ quyền của chúng tôi, về tuyên bố chủ quyền trong khu vực. Và các tuyên bố của chúng tôi có cơ sở pháp lý, lịch sử vững chắc. Nhưng chúng tôi vẫn muốn giải quyết mọi tranh chấp với các nước khác, với các bên tuyên bố chủ quyền thông qua đàm phán ngoại giao” – ông Thôi Thiên Khải nói.
Vị Đại sứ cũng đổ lỗi cho Mỹ đã can thiệp vào Biển Đông, gây bất ổn khu vực.
“Nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài, tình hình trong khu vực đã hạ nhiệt” – ông Thôi Thiên Khải nói – “Nhưng không may thay, những nước như Mỹ, đặc biệt là Mỹ, lại đang ra sức can thiệp, cử quân đội của họ tới để tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Cường độ và tần suất là quá cao”.