Mỹ cảnh giác nguy cơ liên minh Trung - Nga ở Bắc Cực
Tân Bộ trưởng hải quân Mỹ kêu gọi nước này cần có sự hiện diện quan trọng ở vùng biển phía bắc.
Khi Ủy ban Quân vụ trang Thượng viện Hoa Kỳ triệu tập một phiên điều trần để thông qua vị trí Bộ trưởng Hải quân mới của Kenneth Braithwaite, từ "Bắc Cực" đã được nhắc đến 35 lần.
Cụm từ này đứng cùng các chủ đề nóng khác như "Trung Quốc" và "Nga", mỗi chủ đề nhận được 22 đề cập, và vượt xa "Triều Tiên", được nêu ra chỉ sáu lần. Những điều này phản ánh mối quan tâm mới ở Washington.
Tầm quan trọng của Bắc Cực
"Người Trung Quốc và người Nga ở khắp mọi nơi," Braithwaite nói với các thượng nghị sĩ vào ngày 7/5, đề cập đến khu vực Bắc Cực. "Đặc biệt là người Trung Quốc. Các ông sẽ lo ngại về số lượng hoạt động của Trung Quốc ngoài khơi phía bắc Na Uy và chúng ta cần cảnh giác với điều đó. Chúng ta cần hiểu lý do tại sao."
Là đại sứ Hoa Kỳ tại Na Uy trong hai năm qua, Braithwaite đã có một cái nhìn sâu về các hoạt động của Trung Quốc và Nga. Việc bổ nhiệm ông làm bộ trưởng hải quân cũng là một ví dụ về xu hướng trên.
Cựu đô đốc một sao này cũng nói rằng việc mở cửa vùng Bắc Cực, do băng tan, là yếu tố chính thúc đẩy Trung Quốc đến khu vực này. "Nếu bạn nhìn vào tuyến đường biển phía bắc giữa Kirkenes, thành phố cực bắc của Na Uy, đi qua một đỉnh của Nga", Braithwaite nói, thì con đường này có thể giảm lượng thời gian cần thiết để chuyển hàng hóa ra khỏi Trung Quốc sang thị trường châu Âu tới "một nửa".
Các thượng nghị sĩ đồng ý với phân tích của Braithwaite. "Việc mở ra Bắc Băng Dương là một sự kiện lịch sử của thế giới. Nó tương đương với việc khám phá Biển Địa Trung Hải", Thượng nghị sĩ Angus King của bang Maine nói. "Đó là một vùng nước hoàn toàn mới chưa từng phù hợp cho con người sử dụng ngoại trừ người dân bản địa trong toàn bộ lịch sử loài người. Nó có tầm quan trọng chiến lược to lớn."
Ông King nêu lên mối lo ngại về tham vọng của Trung Quốc trong khu vực. "Người Trung Quốc hiện đã tuyên bố mình là 'quốc gia gần Bắc Cực'. Điều đó giống như Maine tự cho rằng mình là một "bang gần Caribbean", ôngKing nói đùa.
"Nhưng dù sao họ cũng đang làm điều đó và tôi nghĩ nó cho thấy ý định của họ", ông nói. "Nga và Trung Quốc đều thể hiện sự quan tâm lớn."
Sức mạnh liên kết Nga - Trung
Nhiều học giả đã cảnh báo về dấu chân ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, và khả năng cả hai quốc gia có thể định hình tương lai khu vực này.
"Thất bại lớn nhất trong chính sách Mỹ là sự miễn cưỡng của chính mình trong việc hiểu được ý nghĩa chiến lược của sự cạnh tranh quyền lực lớn ở Bắc Cực", Heather Conley, phó chủ tịch cấp cao về nghiên cứu Châu Âu, Á Âu, và Bắc Cực tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS có trụ sở tại Washington, đã viết năm ngoái trong một báo cáo. "Mặc dù Mỹ cho rằng Bắc Cực có giá trị chiến lược ở mức hạn chế và vị thế ảnh hưởng ở mức tối giản hiện tại của họ là đủ thì hai đối thủ cạnh tranh gần là Nga và Trung Quốc đã có những quan điểm khác biệt và lâu dài về khu vực này và đã mở rộng dấu chân quân sự và kinh tế".
Trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asian Review, Conley đã cảnh báo về sự hợp tác ngày càng tăng giữa Moscow và Bắc Kinh ở Bắc Cực. "Kịch bản tồi tệ nhất đối với Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ là một liên kết chống phương Tây giữa Bắc Kinh và Moscow"- điều có thể đe dọa hoặc giảm đi khả năng tiếp cận Bắc Thái Bình Dương và Bắc Đại Tây Dương.
Hai bên đã có sự hợp tác tài chính ở Bắc Cực. Khi Nga gặp khó khăn để đảm bảo nguồn tài trợ từ các ngân hàng phương Tây cho dự án khí tự nhiên hóa lỏng Yamal ở Bắc Cực, do các lệnh trừng phạt sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, họ đã chuyển sang Trung Quốc.
Hai ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc và Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, đã ký hai hạn mức tín dụng 15 năm với giá trị tương ứng là 10,7 tỷ USD và 1,5 tỷ USD, theo CSIS. Quỹ Con đường Tơ lụa Trung Quốc cũng cung cấp 1,2 tỷ USD.
Do đó, các công ty Trung Quốc đã giành được 29,9% cổ phần tại một trong những dự án LNG lớn nhất thế giới.
Năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã có một thỏa thuận để các công ty nhà nước từ cả hai bên hợp tác vận chuyển LNG từ Bắc Cực. Nhà sản xuất LNG lớn của Nga Novatek và công ty vận tải nhà nước Sovcomflot hợp tác với hai doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc là COSCO Shipping và Silk Road Fund, để quản lý một đội tàu gồm hàng chục tàu phá băng vận chuyển nhiên liệu rời đi từ các nhà máy của Novatek, bao gồm Yamal LNG.
Tại phiên điều trần thông qua vị trí mới, Braithwaite nói rằng Hoa Kỳ cần tăng cường sự hiện diện ở vùng biển phía bắc. Ông nói rằng hải quân "có khả năng, một số trong đó là duy nhất, để có thể phát huy sức mạnh ở phần đó của thế giới", và chỉ ra bốn tàu Hải quân Hoa Kỳ đã vào Biển Barents ngoài khơi Nga vào đầu tuần như một ví dụ về điều đó.
Nhiệm vụ này, do ba tàu khu trục Aegis thuộc lớp Arleigh Burke thực hiện - USS Donald Cook, USS Porter và USS Roosevelt - và tàu hỗ trợ chiến đấu nhanh USNS Supply, đã thu hút sự chú ý của Hạm đội phương Bắc của Nga - bên cho biết họ đã theo dõi các hoạt động này.
Động thái này đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 30 năm, các tàu chiến Mỹ đã vào Biển Barents và được coi là một phần của chiến lược Bắc Cực mới.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta cần tiếp tục làm điều đó," Braithwaite nói. "Một lực lượng hải quân có quy mô phù hợp" được yêu cầu phải cảnh giác trong khu vực này, ông nói thêm.