Mỹ chạy đua 5G với Trung Quốc

Chính phủ Mỹ đang tận dụng nguồn vốn tư nhân để tăng tốc phát triển các giải pháp công nghệ 5G với quyết tâm vượt mặt Trung Quốc trong lĩnh vực này.

 David Stapleton, quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách công nghiệp, phát biểu tại hội nghị hàng năm về kiểm soát xuất khẩu hôm 10-7 do Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức. Ảnh: SCMP

David Stapleton, quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách công nghiệp, phát biểu tại hội nghị hàng năm về kiểm soát xuất khẩu hôm 10-7 do Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức. Ảnh: SCMP

Phát biểu tại hội nghị hàng năm về An ninh và Kiểm soát xuất khẩu do Cục An ninh và Công nghiệp (BIS) thuộc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức ở Washington hôm 10-7, các quan chức quốc phòng và thương mại Mỹ cho biết chính phủ Mỹ đã chuyển sang tận dụng sức mạnh nguồn vốn tư nhân để tăng tốc phát triển giải pháp 5G.

Họ tin rằng hệ thống doanh nghiệp tự do sẽ giúp Mỹ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua giành quyền thống lĩnh công nghệ viễn thông 5G toàn cầu với Trung Quốc.

Mối đe dọa của Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ và sự cạnh tranh của các doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực viễn thông toàn cầu là chủ đề chi phối các cuộc thảo luận tại hội nghị của BIS diễn ra trong ba ngày.

“Rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta quay về nước và giải thích rằng họ bị thu hút đến Trung Quốc với các cam kết tiếp cận thị trường 1,4 tỉ dân, để rồi bị cưỡng ép chuyển giao công nghệ, dẫn đến bị cạnh tranh ngay trong lĩnh vực công nghệ của họ. Sau đó, họ bị hất văng khỏi thị trường này và giờ đây đang cạnh tranh với chính các công ty Trung Quốc tại Mỹ”, David Stapleton, quyền Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách công nghiệp, nói.

Ông Stapleton cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc trên phương diện tài chính và các phương diện khác dành cho các công ty công nghệ trong nước đòi hỏi Washington phải ứng phó bằng cách thành lập các “mối quan hệ đối tác với các công ty quản lý tài sản, đầu tư vốn cổ phần tư nhân và đầu tư vốn mạo hiểm” để thúc đẩy sự phát triển 5G.

Ông cho biết chính phủ Mỹ đã chi 125 tỉ đô la cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển trong năm 2018. “Giờ đây, có ít nhất 300 tỉ đô la tiền mặt ở Phố Wall sẵn sàng triển khai nhanh hơn nữa”, ông cho biết.

Trong chín năm qua, các công ty tư nhân ở Mỹ đã chi 226 tỉ đô la để phát triển hạ tầng viễn thông. Các nhà phân tích dự báo họ sẽ đầu tư thêm 275 tỉ đô la nữa để phát triển mạng 5G, tạo ra khoảng 3 triệu việc làm và đóng góp 500 tỉ đô la cho nền kinh tế.

Earl Comstock, Giám đốc hoạch định chiến lược và chính sách thuộc Bộ Thương mại Mỹ, nói rằng các công ty công nghệ nước ngoài ở Trung Quốc “rút cục sẽ bị hất cẳng vì một khi các công ty Trung Quốc triển khai thành công năng lực cần thiết tại nước họ, họ có trong tay 1,4 tỉ người tiêu dùng, họ sẽ tăng doanh thu, tăng chi tiêu nghiên cứu, phát triển và mở rộng ra các thị trường quốc tế".

Comstock cho biết chính phủ Mỹ khuyến khích hợp tác giữa các công ty trong nước với các công ty ở Nhật Bản, Mexico, Ấn Độ và châu Âu để nhanh chóng phát triển thiết bị 5G, bù đắp cho thời gian lãng phí cho các hoạt động mở rộng ở Trung Quốc nhưng không thành công.

Câu chuyện dùng nguồn lực nhà nước hay khu vực tư nhân để thúc đẩy phát triển công nghệ 5G là vấn đề gây tranh luận ở Mỹ. Một số quan chức chính quyền cảnh báo nếu Mỹ không sử dụng cách tiếp cận nguồn lực tài chính quốc gia để thúc đẩy công nghệ 5G, nước này sẽ khó bắt kịp được Trung Quốc.

Tuy nhiên, phát biểu tại một sự kiện thảo luận chính sách 5G ở Washinton hồi tháng 4-2019 do Hiệp hội Không dây CTIA (cơ quan đại diện cho các doanh nghiệp viễn thông Mỹ) tổ chức, Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Larry Kudlow nói, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không can thiệp vào sự phát triển mạng 5G. Ông cho rằng khu vực tư nhân, tức các công ty viễn thông Mỹ, phải dẫn dắt các nỗ lực phát triển mạng 5G vì họ làm tốt hơn chính phủ.

Trước đó, Brad Parscale, Giám đốc ban Vận động tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Trump, gây xôn xao khi đề xuất một kế hoạch triển khai 5G được quốc hữu hóa, tức đặt chính phủ vào nhiệm vụ phổ biến mạng 5G ở Mỹ.

Trong khi đó, thúc đẩy công nghệ 5G là một chiến lược ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ Trung Quốc và mục tiêu phát triển viễn thông hiện đại được nêu rõ trong kế hoạch kinh tế 5 năm hiện nay và sáng kiến Made in China 2025 của Trung Quốc.

Sáng kiến này, nhằm phân bổ các gói trợ cấp của chính phủ dành cho các ngành công nghệ cao, khẳng định rằng công nghệ 5G là một trong những lĩnh vực mà Trung Quốc phải đạt được các tiến bộ đột phá, đưa nước này vượt lên dẫn đầu trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

Bắc Kinh cũng cam kết nâng cao sự hỗ trợ và dành các nguồn lực tài chính cho các công ty công nghệ trong bối cảnh gần đây, Bộ Thương mại Mỹ đưa hãng thiết bị viễn thông và điện thoại thông minh (smartphone) Huawei vào danh sách đen nhằm cấm các công ty Mỹ bán hàng cho hãng này. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho rằng Bắc Kinh đã tích cực trợ cấp cho Huawei nhưng người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi phủ nhận điều này.

Trong 10 năm qua, Huawei nhận được tổng cộng 11 tỉ nhân dân tệ (1,6 tỉ đô la) tiền trợ cấp của chính phủ, theo số liệu từ các báo cáo hàng năm của Huawei. Khoảng phân nửa số tiền là các khoản trợ cấp vô điều kiện nhằm tưởng thưởng cho những đóng góp vì sự phát triển công nghệ cao mới của Huawei ở Trung Quốc.

Theo South China Morning Post

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/291427/my-chay-dua-5g-voi-trung-quoc.html