Mỹ chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga

Trong phát biểu ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moscow đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trước đó, các hãng tin của Nga dẫn lời Phó Thủ tướng nước này Alexander Novak hôm 7/3 cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả "khủng khiếp" đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, có thể lên đến 300 USD/thùng. Ông cho rằng thị trường châu Âu sẽ không thể nhanh chóng tìm ra nguồn cung thay thế dầu mỏ Nga, có thể mất hơn một năm và người tiêu dùng châu Âu sẽ phải chịu mức giá đắt đỏ hơn.

Trong khi đó, giới phân tích cho rằng quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng tác động của của chiến dịch quân sự đối với kinh tế toàn cầu sau khi thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19.

Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nga là nước xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới và cho đến nay việc xuất khẩu năng lượng của nước này vẫn chưa bị áp đặt trừng phạt. Mặc dù Mỹ không phải là nhà mua dầu hàng đầu của Nga, song các đồng minh của nước này dường như phải chịu sức ép đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga.

Cùng ngày 8/3, Chính phủ Anh thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Tuyên bố của London được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong bối cảnh Moscow đang triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Hãng tin AFP dẫn thông báo được Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh, ông Kwasi Kwarteng, đăng tải trên mạng xã hội Twitter nêu rõ: “Quyết định chuyển đổi này sẽ cho phép thị trường, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng có đủ thời gian để thay thế việc nhập khẩu (dầu mỏ) của Nga, vốn chiếm 8 % nhu cầu của Anh”.

Đáng chú ý, biện pháp trừng phạt của Anh không được áp dụng đối với khí đốt tự nhiên nhập khẩu từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở “xứ sở sương mù”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwarteng cho biết ông đang “nghiên cứu các lựa chọn để chấm dứt hoàn toàn hoạt động nhập khẩu mặt hàng này”.

Biện pháp trên của chính phủ Anh được đánh giá là có nguy cơ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt ở nước này, với việc giá xăng và dầu diesel tăng cao trong bối cảnh thị trường hỗn loạn sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Tuy vậy, Bộ trưởng Kwarteng cho biết phần lớn dầu thô nhập khẩu của Anh đến từ “những đối tác đáng tin cậy” như Mỹ, Hà Lan và các quốc gia vùng Vịnh. Ông lưu ý: “Chúng tôi sẽ phối hợp với họ trong năm nay để đảm bảo có thêm nguồn cung”.

Cũng trong ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.

Theo EC, mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện nay, Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU.

Cũng trong ngày 8/3, Thủ tướng Bulgaria Kiril Petkov cho biết nước này không thể ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga trong bối cảnh các nước phương Tây cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga, trong đó có việc ngừng nhập dầu mỏ và khẩu khí đốt của nước này, liên quan việc Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Phát biểu với báo giới bên lề một kỳ họp của Quốc hội, Thủ tướng Petkov nêu rõ: "Chúng tôi làm việc với Liên minh châu Âu (EU) nhằm đảm bảo rằng những biện pháp trừng phạt có sức mạnh tối đa, song một điều mà chúng tôi không thể làm là chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt (từ Nga)".

Thủ tướng Bulgaria nhấn mạnh các nước thành viên EU sẽ "trải qua khó khăn lớn" nếu khối này quyết định cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt của Nga. Ông cho rằng các nước châu Âu rất phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga cho đến khi khối này có sự đạ dạng hóa về nguồn cung năng lượng.

Giá xăng dầu tại Mỹ đã lên cao kỷ lục vượt ngưỡng 4USD/1 gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá có thể đe dọa đến sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, xung đột nổ ra tại Ukraine đã khiến chuỗi cung xăng dầu gặp cú sốc lớn bởi các công ty nhập dầu của Nga, một trong những nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, đã phải loại bỏ sản phẩm của nước này ra khỏi nguồn cung hàng trên toàn cầu hàng ngày.

Ngay trong ngày 8/3, giá xăng dầu tiếp tục vọt lên nữa sau khi chính phủ Mỹ tuyên bố cấm nhập các loại dầu thô, một số sản phẩm dầu khí và than của Nga. Theo số liệu năm 2021, khoảng 8% dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Mỹ là nhập của Nga.

Trước đó, giá xăng dầu đã tăng cao trong vài tháng trở lại đây bởi nền kinh tế toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng đang bắt đầu quá trình phục hồi sau khi đại dịch thoái lui. Các công ty hóa dầu mà hơn hai năm qua phải cắt giảm sản lượng sản xuất do các nền kinh tế phải đóng cửa vẫn chưa thể trở lại sản xuất ở mức như trước khi đại dịch xảy ra.

Theo tờ Wall Street Journal, kể từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng dầu khí trên thị trường toàn cầu giảm khoảng 1 triệu thùng mỗi ngày khi mà chính Mỹ chỉ sản xuất khoảng 19 triệu thùng dầu tinh chế mỗi ngày.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 8/3 đã đề xuất với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch loại bỏ hoàn toàn than, dầu và khí đốt của Nga cho đến năm 2030 do tình hình căng thẳng ở Ukraine. Kế hoạch này có tên gọi REPower EU, trong đó cho biết: “EC đề xuất kế hoạch để EU độc lập với nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030, bắt đầu từ khí đốt”.

Theo kế hoạch, EC đề xuất giảm 67% sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga vào cuối năm nay. Kế hoạch nhấn mạnh giá năng lượng ở châu Âu đã trở thành một “vấn đề căng thẳng và ngày càng tăng”.

Kế hoạch gồm một loạt các biện pháp để ứng phó với giá năng lượng tăng ở châu Âu và lấp đầy kho dự trữ khí đốt vào mùa đông tới, bao gồm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các dạng khí đốt tái tạo, thay thế khí đốt trong các hệ thống sưởi ấm và phát điện. Tất cả biện pháp này sẽ làm giảm 2/3 nhu cầu về khí đốt của Nga (67%) vào cuối năm nay”. Theo kế hoạch, EC buộc tất cả các nước thành viên EU phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ ít nhất 90% trước ngày 1/10 hàng năm.

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn Czech (ČTK), các Thủ tướng của Nhóm Visegrad nhất trí với Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và hành động chung ứng phó với chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine. Thủ tướng Czech Petr Fiala phát biểu với báo chí sau cuộc họp ngày 8/3, tại London, và cho biết rằng họ nhất trí quan điểm xem xét cần thiết thêm các biện pháp trừng phạt Nga, tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng.

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/271784/my-chinh-thuc-cong-bo-lenh-cam-nhap-khau-dau-mo-cua-nga.html