Mỹ chứng kiến phong trào phản chiến lớn

Vào ngày 19.2 tới, thủ đô Washington sẽ chứng kiến cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine lớn chưa từng có, cho thấy sự khác biệt rõ rệt so với các cuộc biểu tình trong quá khứ. Điều này sẽ đánh dấu một bước khởi đầu mới cho các lực lượng yêu chuộng hòa bình, phản đối chiến tranh và chống can thiệp tại Mỹ.

Tập hợp một đa số phản chiến

Yêu sách chính của liên minh rộng lớn này rất đơn giản và cụ thể: “nước Mỹ không tài trợ thêm một xu nào cho cuộc chiến ở Ukraine”. Yêu sách này nhấn mạnh những gì người dân Mỹ có thể làm để chấm dứt chiến tranh, chứ không phải những gì người dân nước khác có thể làm. Rốt cuộc, đối tượng duy nhất mà người Mỹ có thể gây ảnh hưởng chính là Nhà Trắng và đồi Capitol.

Xe tăng Abrams Mỹ dự định viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Xe tăng Abrams Mỹ dự định viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ

Cơ sở để đạt được thỏa thuận với chính phủ là chủ nghĩa chống can thiệp, điều mà phần lớn các phong trào tiến bộ ở Mỹ đã từ bỏ, thể hiện qua các cuộc bỏ phiếu gần đây ở Quốc hội, nơi tất cả các đảng viên Đảng Dân chủ, bao gồm cả các đảng viên Dân chủ tiến bộ từng nổi tiếng với các quan điểm phản chiến, đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định gửi vũ khí cho Ukraine.

Các nhà tổ chức gọi cuộc biểu tình là “cơn thịnh nộ chống lại cỗ máy chiến tranh”. Họ cho rằng, khi cuộc chiến ở Ukraine đẩy cả thế giới đến bờ vực của “ngày tận thế hạt nhân”, “cơn thịnh nộ” vẫn còn là một cách gọi ưu ái.

Thái độ phản đối của người dân Mỹ đối với cuộc chiến ủy nhiệm ở Ukraine ngày càng rõ nét. Một bộ phận đáng kể và ngày càng đông đảo người dân Mỹ ủng hộ thái độ này. Yêu cầu hàng đầu về việc “không thêm một xu cho cuộc chiến ở Ukraine” đang ngày càng nhận được sự ủng hộ của người Mỹ. Một cuộc khảo sát vào tháng 11.2022 của Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu cho thấy 35% người Mỹ phản đối việc gửi thêm vũ khí cho Ukraine và 34% phản đối việc gửi thêm viện trợ kinh tế. Còn khi được hỏi về việc gửi quân đội Hoa Kỳ, 68% phản đối.

Những con số này đã tăng lên so với cuộc khảo sát trước đó vào tháng 7, cho thấy tâm lý chống chủ nghĩa can thiệp đang gia tăng. Mặc dù đây không phải là đa số, nhưng hơn một phần ba dân số là cơ sở đủ vững chắc để xây dựng một đa số phản chiến. Chỉ cần giành được thêm 16% nữa để đạt được đa số. Yêu cầu số một của cuộc biểu tình ngày 19.2 sắp tới không phải là không tưởng mà hoàn toàn thực tế.

Yêu sách của những người biểu tình

Những người tổ chức cuộc biểu tình tháng Hai đưa ra 10 yêu sách, trong số đó, 4 yêu cầu đầu tiên được chú ý đặc biệt vì chúng thể hiện tinh thần và những ý tưởng hàng đầu của phong trào. Đây là những nội dung được diễn đạt trên trang web của cuộc biểu tình có tên rageagainstwar.com (cơn thịnh nộ phản chiến).

Không thêm một xu cho cuộc chiến ở Ukraine: Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã trang bị cho Ukraine hàng chục tỷ đô la vũ khí và viện trợ quân sự. Chiến tranh đã giết chết hàng chục nghìn người, khiến hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa và đang đẩy chúng ta tới một cuộc chiến tranh hạt nhân lần thứ 3. Cần chấm dứt tài trợ cho chiến tranh.

Thúc đẩy đàm phán hòa bình: Chính phủ Mỹ đã xúi giục chiến tranh ở Ukraine bằng một cuộc đảo chính của chính phủ được bầu cử dân chủ vào năm 2014, và sau đó phá hoại một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine vào tháng 3. Ngừng bắn ngay lập tức và sử dụng con đường ngoại giao để kết thúc chiến tranh.

Chấm dứt lạm phát do chiến tranh: cuộc chiến làm tăng nhanh lạm phát và làm tăng giá lương thực, khí đốt và năng lượng ở khắp nơi trên thế giới. Hoa Kỳ đã phá hủy các đường ống dẫn khí đốt của Nga đến châu Âu. Chiến tranh cần kết thúc để ngăn chặn đà tăng phi mã của lạm phát.

Giải tán NATO: sự mở rộng của NATO đến gần biên giới Nga là một trong những nguyên nhân chính kích động cuộc chiến ở Ukraine. NATO là một di tích hâm nóng của Chiến tranh Lạnh. Tổ chức này nên được giải tán như Hiệp ước Warsaw.

Ngoài 4 yêu sách trên, lực lượng phản chiến còn đưa ra 6 yêu sách khác bao gồm: giảm leo thang hạt nhân toàn cầu; cắt giảm ngân sách cho Bộ Quốc phòng; xóa bỏ CIA và nền công nghiệp quân sự nhà nước; bãi bỏ Chiến tranh và Đế quốc; khôi phục các quyền tự do dân sự; trả tự do cho Julian Assange, người gây ra vụ wikileak.

Trong một chừng mực nào đó, phong trào phản chiến ở Mỹ sẽ có ảnh hưởng đáng kể đối với khu vực Đông Á, nơi nhiều nước “đồng minh” của Mỹ có thể đang nhìn thấy rõ tình trạng của một số nước châu Âu bị đẩy lên tuyến đầu trong cuộc chiến ủy nhiệm mà Mỹ mong muốn này. Có vẻ như thế giới đang phải đối mặt với quá nhiều vấn đề và chúng ta đang ở quá gần với chiến tranh hạt nhân để tiếp tục lãng phí tài nguyên và sinh mạng trong nỗ lực giành quyền bá chủ của bất kỳ quốc gia nào.

Quốc Đạt (Theo Asia Times)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/my-chung-kien-phong-trao-phan-chien-lon-i315490/