Mỹ đang đánh giá khái niệm 'báo động lực lượng răn đe hạt nhân' của ông Putin
Trong cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu và Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Valery Gerasimov ngày 27/2, Tổng thống Nga Vladimir đã ra lệnh đặt lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược vào tình trạng 'báo động cao nhất'.
Yêu cầu của Tổng thống Putin được đưa ra trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2. Mỹ và các nước phương Tây đã công bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, đóng cửa không phận đối với máy bay Nga, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, đồng thời tuyên bố tăng cường viện trợ quân sự, gửi vũ khí tới Ukraine.
“Các nước phương Tây không chỉ có các hành động không thân thiện đối với nước Nga trong lĩnh vực kinh tế. Tôi đang nói về các lệnh trừng phạt bất hợp pháp mà mọi người đều đã biết rất rõ. Giới chức các nước NATO cũng đưa ra nhiều tuyên bố chống lại đất nước chúng ta”, Tổng thống Putin nhấn mạnh trong cuộc họp.
“Báo động” lực lượng hạt nhân có ý nghĩa như thế nào?
Một quan chức quốc phòng giấu tên của Mỹ cho biết, Washing vẫn đang đánh giá khái niệm “báo động cao nhất” mà Tổng thống Putin nhắc tới có ý nghĩa như thế nào.
Nga và Mỹ thường đặt các phân khu trên bộ và trên tàu ngầm của lực lượng hạt nhân chiến lược trong tình trạng báo động và sẵn sàng chiến đấu mọi lúc, nhưng máy bay ném bom có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân và các máy bay khác thì không.
Theo ông Hans Kristensen, một nhà phân tích hạt nhân tại Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ, nếu Nga trang bị vũ khí hoặc nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu hạt nhân cho các máy bay ném bom, nếu tổng thống Nga ra lệnh cho các tàu ngầm tên lửa đạn đạo ra biển, Mỹ có thể buộc phải đáp trả theo cách tương tự. Ông Kristensen cho rằng, điều đó sẽ đánh dấu một sự leo thang đáng lo ngại.
Nga sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp nào?
Tháng 6/2020, Nga công bố sắc lệnh hành chính, có tên gọi “Nguyên tắc cơ bản trong chính sách nhà nước Liên bang Nga về răn đe hạt nhân”.
“Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm, Nga công khai giải thích về chính sách tác chiến hạt nhân”, ông Paul Dibb giáo sư danh dự về nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia cho biết khi đó.
Sắc lệnh của Nga nhấn mạnh, vũ khí hạt nhân được coi như một công cụ răn đe, được sử dụng như “biện pháp cuối cùng và bắt buộc”. Quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ do Tổng thống Nga đưa ra.
Sắc lệnh cũng nêu chi tiết điều kiện có thể dẫn tới xung đột hạt nhân như phóng tên lửa đạn đạo nhằm vào Nga hoặc đồng minh của Nga, cũng như trường hợp gây hấn nhằm vào Nga bằng các vũ khí thông thường mà trong đó sự sống còn của nhà nước bị đe dọa./.