Mỹ đề nghị đình chiến thuế quan 'có điều kiện' với EU

Cơ quan đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã đưa ra đề nghị 'đình chiến' thuế quan với Liên minh châu Âu để giải quyết tranh chấp trợ cấp máy bay kéo dài và dỡ bỏ thuế quan đối với rượu vang, rượu whisky và các sản phẩm khác nếu Airbus hoàn trả hàng tỷ đôla viện trợ cho các chính phủ châu Âu.

Đề nghị này được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra chỉ vài ngày trước khi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công bố báo cáo chính thức ngày 13/10 cho phép Brussels áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của Mỹ để trả đũa trợ cấp mà Mỹ dành cho nhà sản xuất máy bay Boeing. Tuy nhiên, đề xuất này không có khả năng giành được sự ủng hộ từ EU. Việc áp thuế 7,5 tỷ USD của Mỹ đối với các khoản trợ cấp của Airbus đã bắt đầu ảnh hưởng đến hàng hóa châu Âu.

Ủy ban châu Âu xác nhận rằng đã nhận được phản ứng đầu tiên của Mỹ đối với đề xuất chấm dứt tranh chấp vào tháng 7. Đây là lần đầu tiên EU nhận được phản hồi của Mỹ về một số khía cạnh cơ bản trong đề xuất của họ. Hiện EU đã đưa ra phản ứng của mình và chuẩn bị tiếp tục các cuộc thảo luận này. USTR cho biết đang chờ câu trả lời từ EU. Cổ phiếu của Airbus đã giảm 3,3%, kéo dài những khoản lỗ trước đó. WTO đã phán quyết rằng, các khoản vay của chính phủ châu Âu cho Airbus được trợ cấp không công bằng thông qua lãi suất thấp trong khi Boeing cũng nhận được sự hỗ trợ không công bằng từ việc giảm thuế của Mỹ. Cả hai bên cho biết đã khắc phục những sai sót trong quá khứ và phù hợp với các quy định của WTO hiện nay.

Các khoản vay là trung tâm của cuộc tranh chấp kéo dài 16 năm và quan hệ thương mại trở nên tồi tệ trong các lĩnh vực từ hàng xa xỉ đến nông nghiệp khi Mỹ và EU tìm cách trừng phạt trợ cấp máy bay bằng thuế quan. Theo đề nghị của Mỹ, lãi suất của các khoản vay trước đây để hỗ trợ các chương trình phát triển của Airbus sẽ được đặt lại ở mức giả định rằng chỉ có một nửa số dự án sẽ thành công. Điều đó sẽ mang lại rủi ro cao hơn so với các quốc gia đối tác của Airbus - Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha - theo truyền thống đã định giá các khoản vay và phản ánh kiểu đầu tư mang tính đầu cơ.

Việc định giá lại như vậy có thể khiến Airbus tiêu tốn tới 10 tỷ USD, được coi là không thể chấp nhận được đối với EU vào thời điểm các nhà sản xuất máy bay đang tìm cách tồn tại trong cuộc khủng hoảng Covid-19. Một nguồn tin châu Âu cho rằng, đề xuất của Mỹ có thể đẩy nhanh cuộc chiến thuế quan. Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định USTR “nghiêm túc” về việc yêu cầu Airbus hoàn trả viện trợ. Các nhà phân tích cho rằng, Mỹ và EU đang cố gắng củng cố lập trường của mình trước bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai. Cả hai bên đã thúc giục các cuộc đàm phán trong khi cáo buộc bên kia từ chối tham gia nghiêm túc.

Hoàn trả các khoản trợ cấp cũ là một trong những chủ đề gai góc nhất trong các cuộc thảo luận vì các biện pháp khắc phục của WTO thường mang tính tương lai. Ủy ban châu Âu cho biết, các đề xuất của họ bao gồm viện trợ trong tương lai cho lĩnh vực này. Mỹ lập luận rằng, chỉ giải quyết các hình thức hỗ trợ trong tương lai sẽ không giải quyết được thiệt hại đang diễn ra đối với Boeing do sự hiện diện trên bảng cân đối của Airbus về các khoản vay trong quá khứ mà hãng vẫn có thể sử dụng để phát triển máy bay phản lực và đưa ra mức giá thấp không công bằng.

Các nguồn tin châu Âu cho rằng, Boeing cũng sẽ phải trả lại hàng tỷ USD nếu triết lý tương tự được áp dụng cho nhà sản xuất máy bay Mỹ. Hiện tại, Airbus chỉ hoàn trả các khoản vay của chính phủ khi doanh số của họ vượt quá một ngưỡng nhất định, trong khi các khoản vay cho các máy bay bán chạy như A380 superjumbo có thể được miễn một phần hoặc toàn bộ. Airbus cho biết, hệ thống đang bị tranh chấp ủng hộ người nộp thuế vì số tiền trả nợ cho các máy bay phản lực thành công như A320 cao hơn nhiều so với số tiền trả cho các máy bay không đạt được mục tiêu doanh số.

Việt Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/my-de-nghi-dinh-chien-thue-quan-co-dieu-kien-voi-eu-145613.html