Mỹ đưa bom thông minh và tên lửa tấn công tới Ba Lan

Không chỉ duy trì hàng trăm đơn vị vũ khí hạt nhân tại châu Âu, Mỹ đang có động thái đưa các loại bom thông minh và tên lửa tấn công chính xác cao tới Ba Lan, áp sát biên giới Nga. Thậm chí, Washington còn tính toán chuyển các đơn vị bom hạt nhân niêm cất tại Đức tới Ba Lan, điều này có thể gây bất ổn cho lục địa già.

Hành động nhỏ, ẩn chứa nguy cơ lớn

Ngay sau thông tin về việc Mỹ có thể tái triển khai các đơn vị bom hạt nhân B61 nâng cấp từ Đức sang Ba Lan, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, hành động của Washington đang làm căng thẳng thêm quan hệ giữa hai bên. Đặc biệt là việc Mỹ cho phép các quốc gia NATO có căn cứ niêm cất vũ khí hạt nhân được phép sử dụng chúng trong các trường hợp nguy cấp.

Theo quan điểm của Moscow, động thái trên của Mỹ là vi phạm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và quy định hợp tác Nga-NATO. Việc vũ khí hạt nhân được chuyển tới Ba Lan sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới không gian sinh tồn chiến lược của Nga. Chuyên gia địa chính trị Konstantin Sivkov đánh giá, khoảng cách từ Ba Lan tới biên giới Nga gần hơn nhiều so với Đức. Hiện tại, Mỹ mới nêu ý định chuyển bom hạt nhân B61 tới Ba Lan, nhưng trong tương lai có thể là các tên lửa hành trình tầm xa với vỏ bọc lá chắn tên lửa Aegis Ashore. Việc này buộc Nga phải có động thái đáp trả với hành động rõ ràng nhất là tăng cường vũ trang tại vùng Kaliningrad. Căng thẳng giữa hai bên đang đe dọa nghiêm trọng tới an ninh của cả châu Âu.

 Bom hạt nhân nâng cấp B61-12 đang được Mỹ triển khai tại châu Âu.

Bom hạt nhân nâng cấp B61-12 đang được Mỹ triển khai tại châu Âu.

Trong khi đó, theo quan điểm của Mỹ, động thái triển khai bom hạt nhân tới Ba Lan là theo yêu cầu của quốc gia này với vai trò là thành viên của NATO. Năm 2015, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Tomasz Shatkowski đã đưa ra đề nghị triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước này và xa hơn nữa là chia sẻ quyền sử dụng dòng vũ khí hủy diệt hàng loạt này với vai trò là thành viên của NATO.

Vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan được chú ý nhiều hơn trong vài năm trở lại đây khi Mỹ giới thiệu phiên bản nâng cấp mới của bom hạt nhân chiến lược B61-12. Đây có thể coi là dòng bom hạt nhân dẫn đường hoàn toàn mới so với nguyên bản B61 được trang bị từ những năm 1960. Dù sức công phá của đầu đạn hạt nhân được giảm xuống 50 Kilotone (50.000 tấn thuốc nổ TNT), nhưng phiên bản B61-12 lại được cải thiện khả năng tấn công chính xác cao và đặc biệt là khả năng tấn công các mục tiêu nằm sâu dưới lòng đất, boongke…

Ám ảnh từ thời Chiến tranh Lạnh

Chuyên gia quân sự Artyom Kureyev thuộc Trung tâm phân tích Valdai đánh giá, lý do chính được Mỹ và NATO đưa ra cho việc triển khai vũ khí hạt nhân tới Ba Lan chính là thổi phồng cái gọi là “mối đe dọa Nga” với vùng Baltic. Trong những năm qua, NATO đã liên tục có động thái tăng quân và diễn tập quân sự tại khu vực này với lý do ngăn ngừa nguy cơ xâm lược từ Nga. “Hành lang Suvalky” chính là thuật ngữ nói về khả năng Nga nối liền vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad với Belarus thông qua các quốc gia Baltic.

Không chỉ có bom hạt nhân, các hệ thống Aegis Ashore với các giếng phòng Mk-41 không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà có thể mang cả tên lửa hành trình tấn công Tomahawk, cũng đang được triển khai tại Ba Lan.

Không chỉ có bom hạt nhân, các hệ thống Aegis Ashore với các giếng phòng Mk-41 không chỉ mang tên lửa đánh chặn, mà có thể mang cả tên lửa hành trình tấn công Tomahawk, cũng đang được triển khai tại Ba Lan.

Mỹ hiện vẫn duy trì ở châu Âu khoảng hơn 200 đơn vị bom hạt nhân B61 từ thời Chiến tranh Lạnh. Giới chuyên gia quân sự phương Tây thời điểm đó tính toán, nếu xảy ra chiến tranh tổng lực, lực lượng tăng-thiết giáp áp đảo của khối Warsaw chỉ mất vài ngày để tràn ngập châu Âu và chỉ có vũ khí hạt nhân mới có thể ngăn chặn. Chính vì thế, châu Âu phải nhượng bộ cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở lục địa già. Không chỉ có bom hạt nhân, các đơn vị tên lửa tầm trung Tomahawk và Pershing đã có mặt trên khắp lãnh thổ Tây Âu trong giai đoạn cao điểm của Chiến tranh Lạnh.

Sau khi Liên Xô tan rã vào đầu những năm 1990, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì kho vũ khí hạt nhân ở khắp châu Âu, tại các căn cứ: Aviano, Gedi Torre (Italia); Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ); Büchel (Đức); Klein-Brogel (Bỉ) và Volkel (Hà Lan).

Việc tái triển khai các đơn vị vũ khí hạt nhân mới tới Ba Lan thực tế không mang lại an toàn hơn cho châu Âu, mà sẽ là ngòi nổ cho cuộc chiến hạt nhân không kiểm soát và sẽ không ai là người thắng cuộc trong cuộc chiến như vậy. “Triển khai vũ khí hạt nhân tại Ba Lan sẽ giúp giảm thời gian tấn công vào các mục tiêu nằm trong lãnh thổ Nga khoảng vài phút. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Ba Lan bị đặt trong tầm ngắm của vũ khí răn đe chiến lược của Nga”, chuyên gia Artyom Kureyev nhận định.

 Vũ khí hạt nhân tại Ba Lan sẽ khiến châu Âu gặp nguy hiểm như thời Chiến tranh Lạnh.

Vũ khí hạt nhân tại Ba Lan sẽ khiến châu Âu gặp nguy hiểm như thời Chiến tranh Lạnh.

Trong quá khứ, chính vì nhận thức được mối nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân không thể kiểm soát do các loại tên lửa tầm trung và châu Âu sẽ biến thành chiến trường hạt nhân chính khi xảy ra xung đột, phương Tây đã buộc Mỹ và Liên Xô phải triệt thoái vũ khí tiến công khỏi châu Âu thông qua Hiệp ước về Các lực lượng tên lửa tầm trung (INF). Tuy nhiên, mối nguy cơ này đang một lần nữa lặp lại với việc Washington mang vũ khí hạt nhân áp sát biên giới Nga.

TUẤN SƠN (tổng hợp theo RIAN, Topwar, DefenseTalk…)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/tin-tuc/my-dua-bom-thong-minh-va-ten-lua-tan-cong-toi-ba-lan-619694