Mỹ: Giới an ninh không nhận được cảnh báo trước của FBI về bạo loạn
Các quan chức an ninh thừa nhận dựa vào những thông tin tình báo mà họ nhận được, họ đã không lường trước được hàng trăm người ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội.
Ngày 23/2, các cựu quan chức an ninh hàng đầu tại Quốc hội Mỹ khẳng định đã không nhận được cảnh báo trước từ Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) về khả năng cuộc biểu tình của những người ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump hồi tháng Một vừa qua có thể biến thành bạo loạn.
Phát biểu tại phiên điều trần trước các nghị sỹ thuộc hai ủy ban của Thượng viện phụ trách điều tra về vụ bạo loạn tại trụ sở Quốc hội xảy ra hôm 6/1, các quan chức an ninh trên thừa nhận dựa vào những thông tin tình báo mà họ nhận được, họ đã không lường trước được hàng trăm người ủng hộ ông Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội.
Cựu Cảnh sát trưởng tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ Steven Sund cho biết không hề nhận được thông tin từ FBI vào ngày 5/1 về khả năng các đối tượng cực đoan có kế hoạch tiến hành các hành động bạo lực. Ông khẳng định: "Không một thông tin tình báo nào mà chúng tôi nhận được dự báo về điều thực sự xảy ra."
Ông Sund cho biết lực lượng cảnh sát bảo vệ Tòa nhà Quốc hội dù "có sự chuẩn bị phù hợp cho một cuộc biểu tình quy mô lớn với khả năng xảy ra bạo lực," song hoàn toàn bất ngờ trước “cuộc tấn công có phối hợp” nhằm vào các cảnh sát.
Tại cuộc điều trần, các cựu sỹ quan an ninh của Hạ viện và Thượng viện gồm ông Paul Irving và ông Michael Stenger cũng khẳng định họ không nhận được thông tin cảnh báo của FBI. Cả ba nhân vật này đều đã từ chức sau khi vụ bạo loạn xảy ra.
Tuy nhiên, lời khai của các cựu quan chức an ninh này lại có sự mâu thuẫn. Ông Sund cho biết trong cuộc trao đổi với hai ông Irving và Stenger, ông đã yêu cầu Lực lượng Vệ binh quốc gia triển khai tại Tòa nhà Quốc hội, song ông Irving lại bày tỏ quan ngại về việc điều động lực lượng này. Tuy nhiên, tại phiên điều trần, ông Irving lại nói rằng không nhớ gì về cuộc thảo luận này cũng như yêu cầu của ông Sund.
Vụ tấn công do những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Trump thực hiện tại trụ sở Quốc hội vào ngày 6/1 nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020 đã khiến năm người thiệt mạng.
Các nghị sỹ đảng Dân chủ đã nhanh chóng tiến hành các thủ tục nhằm luận tội ông Trump khi đó là đương kim Tổng thống Mỹ với cáo buộc kích động bạo lực. Tuy nhiên, ngày 13/2, sau cuộc bỏ phiếu, Thượng viện Mỹ đã nhất trí không luận tội ông Trump.
Cho đến nay, đã có hơn 200 người đã bị buộc tội vì hành vi quá khích trong vụ bạo loạn./.