Mỹ kêu gọi Trung Quốc 'chung tay hành động' chống biến đổi khí hậu

Ngày 20/11, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry đã kêu gọi Bắc Kinh hợp tác cùng Washington nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry phát biểu tại COP 27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 8/11 vừa qua. (Nguồn: New York Times)

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry phát biểu tại COP 27 ở Sharm el-Sheikh, Ai Cập, ngày 8/11 vừa qua. (Nguồn: New York Times)

Lời kêu gọi về hợp tác giữa hai nước của ông Kerry diễn ra ngay sau cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Giải Chấn Hoa (Xie Zhenhua) tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập.

Theo ông John Kerry, cuộc khủng hoảng khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu, chứ không chỉ là vấn đề song phương. Do đó, Mỹ và Trung Quốc cần cùng nhau thúc đẩy tiến triển trong vấn đề này, không chỉ vì lợi ích riêng của hai nước mà còn vì tương lai của cả thế giới.

Ông cũng bày tỏ hy vọng, Trung Quốc sẽ đảm nhận đúng trách nhiệm toàn cầu, bởi tất cả các quốc gia đều liên quan đến những quyết định Bắc Kinh đưa ra trong thập kỷ quan trọng này.

Trong khi đó, ông Giải Chấn Hoa đánh giá cuộc gặp với ông với Kerry là "thẳng thắn, thân thiện, tích cực" và "nhìn chung rất mang tính xây dựng".

Tuần trước, tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Bali (Indonesia), Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý nối lại hợp tác về chống biến đổi khí hậu.

Kể từ tháng 8, Bắc Kinh đã ngưng bàn về vấn đề này để phản đối chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc) của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Cùng ngày 20/11, Chính phủ Nam Phi bày tỏ sự vui mừng trước thỏa thuận mang tính lịch sử của Liên hợp quốc (LHQ) về tài trợ các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi "cần có hành động khẩn cấp hơn nữa".

Theo Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi, mặc dù hoan nghênh những tiến bộ trong gói tài chính hướng tới mục tiêu tập thể mới vào năm 2025, quốc gia này cho rằng, cần phải có thêm hành động khẩn cấp để "đáp ứng nghĩa vụ của các nước phát triển".

Kết thúc cùng ngày tại Ai Cập, COP27 đã đạt được thỏa thuận thành lập quỹ giúp các quốc gia dễ bị tổn thương ứng phó với những thiệt hại do các tác động của biến đổi khí hậu.

Chính phủ Nam Phi cũng cho biết, thỏa thuận này xác định rõ khủng hoảng khí hậu và giải pháp đưa ra liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững và chuyển đổi công bằng. Theo đó, không nước nào bị bỏ lại phía sau và cần có sự cải cách khu vực tài chính rộng lớn hơn để đạt được những điều này.

Trước đó, khởi đầu các cuộc đàm phán, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án các nhà tài trợ quốc tế không tạo điều kiện thuận lợi cho các nước nghèo hơn tiếp cận viện trợ chống biến đổi khí hậu.

Là quốc gia phụ thuộc vào than đá, Nam Phi hiện nằm trong số những nước gây ô nhiễm hàng đầu thế giới.

(theo AFP)

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-keu-goi-trung-quoc-chung-tay-hanh-dong-chong-bien-doi-khi-hau-206752.html