Mỹ lập lực lượng tuần tra Biển Đỏ ứng phó các cuộc tấn công của Houthis
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo một số quốc gia đã nhất trí tiến hành tuần tra chung tại phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden nhằm bảo vệ hoạt động vận tải thương mại đường biển trước các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis.
Mỹ lập lực lượng tuần tra Biển Đỏ
Theo hãng tin Reuters, trong chuyến thăm Bahrain - quốc gia đặt trụ sở Hải quân Mỹ tại Trung Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo lực lượng do Mỹ dẫn đầu với sự tham gia của các quốc gia gồm Anh, Bahrain, Canada, Pháp, Italy, Hà Lan, Na Uy, Seychelles và Tây Ban Nha sẽ tuần tra Biển Đỏ nhằm ứng phó trước các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis tại Yemen.
“Đây là thách thức quốc tế đòi hỏi hành động chung. Vì vậy, hôm nay (sáng sớm 19/12) tôi thông báo thành lập Chiến dịch Bảo vệ thịnh vượng - một sáng kiến an ninh đa quốc gia quan trọng mới”, theo nội dung thông báo vào sáng sớm 19/12 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, ngày 18/12, Na Uy đã thông báo sẵn sàng điều binh sĩ hải quân tới khu vực trong khi các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác cho biết đang cân nhắc biện pháp hỗ trợ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Paulsen cho hay Copenhagen sẽ tham gia hỗ trợ đảm bảo an ninh tại Biển Đỏ nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.
Về phía nhóm vũ trang Houthis, ngày 18/12, trao đổi với kênh Al Jazeera, ông Mohammed al-Bukhaiti - thành viên cánh chính trị của lực lượng Houthis khẳng định nhóm vũ trang này đủ khả năng đối đầu với bất cứ liên minh nào do Mỹ thành lập và triển khai tại Biển Đỏ.
Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng do các cuộc tấn công tàu thuyền tại Biển Đỏ
Nhóm vũ trang Houthis thông báo đã sử dụng phương tiện không người lái tấn công hai tàu chở hàng tại Biển Đỏ vào ngày 18/12, vụ việc mới nhất trong loạt vụ tập kích bằng tên lửa, máy bay không người lái vào hoạt động vận tải đường biển tại Biển Đỏ mà nhóm vũ trang này cho biết là nhằm phản ứng trước chiến dịch tấn công của Israel tại Dải Gaza.
Trong bối cảnh các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthis nhằm vào tàu thuyền tại Biển Đỏ gia tăng, một số công ty vận tải hàng hóa lớn đã thay đổi lộ trình tàu thuyền tránh đi qua Biển Đỏ mà thay vào đó, đi vòng qua châu Phi.
Theo các chuyên gia, việc này sẽ đẩy chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài, đồng thời ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sẽ rõ rệt hơn trong những tuần tới.
Theo nhà phân tích Albert Jan Swart thuộc công ty ABN Amro, các công ty đã chuyển hướng tàu thuyền tránh di chuyển qua Biển Đỏ “kiểm soát gần một nửa thị trường vận tải container toàn cầu”.
Ngày 18/12, thị trường bảo hiểm hàng hải tại London đã mở rộng phạm vi khu vực tại Biển Đỏ được coi là có nguy cơ rủi ro cao, khiến phí bảo hiểm tăng cao.
Công ty dầu khí BP đã tạm dừng tất cả hoạt động vận tải qua Biển Đỏ. Ngày 18/12, tập đoàn tàu chở dầu Frontline thông báo tàu thuyền của hãng sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường này. Cùng ngày, tập đoàn năng lượng Equinor của Na Uy thông báo đã thay đổi lộ trình một số tàu chở dầu thô và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tránh khỏi khu vực Biển Đỏ.
Theo Reuters, những động thái trên là tín hiệu cho thấy việc gián đoạn chuỗi cung ứng bắt đầu lan rộng sang hoạt động vận chuyển năng lượng, đẩy giá dầu thô tăng cao vào ngày 18/12.
Ông Marco Forgione - Tổng giám đốc Viện Xuất khẩu và Thương mại quốc tế cho rằng gián đoạn trong hoạt động vận chuyển hàng hóa sẽ ảnh hưởng nguồn cung các loại mặt hàng tiêu dùng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán 2024, dẫn tới khả năng giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng tới người tiêu dùng.
Một số nhà quan sát cho rằng dù đã tuyên bố chỉ tấn công tàu thuyền liên quan tới Israel, nhóm vũ trang Houthis vẫn nhắm tới tàu thuyền không hướng tới hoặc không liên kết với Israel. Ngày 18/12, hãng vận tải Đài Loan Evergreen Marine thông báo đã quyết định tạm dừng nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa tới Israel.
Chia sẻ với hãng tin Reuters, ông Lars Barstad - Giám đốc điều hành hãng Frontline cho rằng: “Phí bảo hiểm liên quan tới rủi ro xung đột tại khu vực Biển Đỏ đang tăng cao. Ngoài ra, do tàu thuyền phải đổi hướng đi vòng qua châu Phi, nguồn cung ứng hàng hóa do hoạt động vận tải đường biển sẽ ngặt nghèo hơn vì thời gian di chuyển lâu hơn”.
Ông Rico Luman, nhà phân tích tại ING cho rằng các hãng vận tải container sẽ tốn thêm ít nhất một tuần thời gian vận chuyển sau khi quyết định thay đổi lộ trình tránh đi qua Biển Đỏ.
“Tình trạng này sẽ dẫn tới chậm trễ trong bàn giao hàng hóa ít nhất là tới cuối tháng 12. Ngoài ra, nếu đợt vận chuyển tiếp theo cũng bị trì hoãn thì ảnh hưởng có thể kéo dài sang tháng 1, tháng 2/2024”, theo ông Luman.
Tập đoàn thực phẩm Danone của Pháp cho biết hầu hết chuyến tàu vận chuyển hàng hóa của hãng đã đổi hướng, khiến thời gian vận chuyển kéo dài.
“Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng triển khai các kế hoạch trong trường hợp tình hình tại Biển Đỏ tiếp diễn trong thời gian dài. Kế hoạch bao gồm sử dụng các tuyến đường thay thế trên biển hoặc trên bộ”, phát ngôn viên công ty Danone cho hay.