Mỹ muốn lời nhắn trực tiếp từ lãnh đạo Iran

Chính quyền Trump muốn nghe thông điệp trực tiếp từ Tổng thống Iran Hassan Rouhani hoặc nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei về việc nước này có quan tâm đến các cuộc đàm phán hay không, một quan chức Mỹ cho biết.

Quan chức này đã nói chuyện với các phóng viên ở Washington hôm thứ Sáu trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Hoa Kỳ và Iran. Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm cho biết, Hoa Kỳ đã "phá hủy ngay lập tức" một máy bay không người lái của Iran khi nó tiếp cận tàu chiến USS Boxer gần eo biển Hormuz. Tuy nhiên các quan chức ở Tehran phủ nhận việc họ thiệt hại một máy bay không người lái.

Mỹ muốn nhận được thông điệp trực tiếp từ các nhà lãnh đạo cao cấp của Iran.

Mỹ muốn nhận được thông điệp trực tiếp từ các nhà lãnh đạo cao cấp của Iran.

Iran và Hoa Kỳ đã rơi vào căng thẳng kể từ năm ngoái, khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 JCPOA. Hồi tháng Năm, chính quyền Iran đã từ chối gia hạn miễn trừ cho tám chính phủ để họ mua dầu của Iran, bắt đầu gia tăng sức ép đối với nền kinh tế đã gặp nhiều khó khăn.

Theo tờ New York Times, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm thứ Năm nói với các phóng viên tại phái bộ Iran ở Liên Hợp Quốc rằng ông sẵn sàng gặp các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ để thảo luận về những cách có thể giải quyết tranh chấp hạt nhân với chính quyền Trump. Ông cũng nói rằng việc Iran leo thang chương trình làm giàu hạt nhân của mình có thể bị đảo ngược nếu Hoa Kỳ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà ông Trump đã áp đặt sau khi rút khỏi JCPOA.

Tuy nhiên, chính quyền Trump không tin rằng ông Zarif có thẩm quyền ra quyết định quan trọng, quan chức này nói. Đó là lý do tại sao chính quyền Mỹ muốn nghe từ ông Rouhani hoặc nhà lãnh đạo tối cao nước này.

Trong khi các quan chức Hoa Kỳ nói rằng họ cởi mở để đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết thì chính phủ Iran muốn có nới lỏng một số lệnh trừng phạt. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra danh sách 12 điều kiện mà ông nói Iran sẽ phải đáp ứng trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.

Nền kinh tế Iran đã bị tê liệt khi Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt – điều hạn chế doanh số bán dầu của nước này, thúc đẩy lạm phát và làm suy yếu sự hỗ trợ trong nước cho chính phủ của ông Rouhani.

Nỗi lo về một cuộc chiến ở Trung Đông đang nổi lên sau một loạt các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu ở vùng Vịnh, một máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ và việc Anh bắt giữ một tàu chở dầu của Iran.

Quý Hoàng

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/my-muon-loi-nhan-truc-tiep-tu-lanh-dao-iran-20190720075813674.htm