Mỹ ngừng hủy niêm yết 3 đại gia công nghệ Trung Quốc trên sàn chứng khoán

Theo Wall Street Journal, Washington dự kiến vẫn sẽ cho phép người Mỹ đầu tư vào ba gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc là Alibaba, Tencent và Baidu.

Alibaba có niêm yết tại sàn chứng khoán New York là một trong số hàng chục công ty bị kiểm tra để đưa vào danh sách “công ty thuộc sở hữu và do quân đội Trung Quốc sở hữu” của Lầu Năm Ảnh: Getty

Trước đó, chính quyền Mỹ đã cân nhắc đưa ba tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc là Alibaba, Baidu và Tencent vào danh sách các công ty vì dính cáo buộc thuộc sở hữu và do quân đội Trung Quốc kiểm soát và sẽ bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Theo đó, các nhà đầu tư Mỹ có thời hạn đến tháng 11 năm nay để thoái vốn đầu tư tại các công ty bị liệt trong danh sách này.

Tuy nhiên, theo nguồn tin từ Washington, ba gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc - với tổng giá trị vốn hóa lên tới 1.400 tỷ USD sẽ không bị đưa vào danh sách trên với lý do trên. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ bổ sung thêm 9 doanh nghiệp Trung Quốc mới vào danh sách này. Hiện, đã có hơn 100 công ty của Trung Quốc và Nga bị liệt vào danh sách “đen” trên.

Động thái này được Washington đưa ra sau một tuần dài tranh luận giữa nhiều bộ ban ngành của chính quyền Mỹ. Trong khi các quan chức của Bộ Ngoại giao, Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Mỹ kiên quyết muốn đưa ba tập đoàn này vào danh sách đen, Bộ Tài chính Mỹ lại phản đối khi bày tỏ quan ngại rằng tình trạng bán tháo và suy thoái kinh tế lan rộng một khi kế hoạch trên được thông qua.

Sau cuộc họp giữa các quan chức cấp cao từ các Bộ vào hôm 12/1 (giờ Mỹ), Washington đã thông báo sẽ không đưa ba công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc vào danh sách theo dõi.

Theo đó, sau khi xem xét các tài liệu mật, các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc đã nhất trí rằng 3 công ty này chỉ nên được phân loại là “có liên quan đến hỗ trợ quân sự, tình báo và an ninh của Trung Quốc”.

Tổng thống Donald Trump ký lệnh cấm nhà đầu tư Mỹ rót tiền vào các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách “đen” hồi tháng 11/2020. Ảnh: Getty

Theo nguồn tin thân cận, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Steven Mnuchin - nhận định rằng việc hủy niêm yết những công ty lớn như vậy sẽ gây mất ổn định thị trường và tăng nguy cơ suy thoái nền kinh tế. Alibaba và Tencent là hai công ty có giá trị niêm yết thị trường lớn nhất của Trung Quốc. Do vậy, ông Mnuchin cho rằng lệnh cấm đầu tư sẽ có tác động lớn đến thị trường vốn, gây hoảng loạn đối với các nhà đầu tư Mỹ và đẩy thị trường chứng khoán lao dốc.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba đã huy động được 25 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu công khai trên Sàn giao dịch chứng khoán New York vào năm 2014, vẫn đang nắm giữ kỷ lục đợt IPO lớn nhất tại Mỹ từ trước đến nay. Baidu, công ty vận hành một công cụ tìm kiếm phổ biến của Trung Quốc, đã được niêm yết trên sàn Nasdaq từ năm 2005. Tencent, sở hữu ứng dụng truyền thông xã hội WeChat phổ biến và là công ty trò chơi điện tử lớn nhất thế giới tính theo doanh thu.

Trong những năm gần đây, các quan chức chính phủ và nhiều doanh nghiệp Mỹ đã xác định Trung Quốc là một đối thủ kinh tế - chính trị lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Phố Wall vẫn nhiệt tình rót vốn vào cổ phiếu các công ty của Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của RWR - một công ty tư vấn nghiên cứu và quản lý rủi ro cho rằng, Trung Quốc đang nỗ lực phát triển một hệ thống điện toán đám mây quân sự bằng cách kết hợp các công ty công nghệ hàng đầu như Alibaba, Tencent, các nhà cung cấp thiết bị quân sự Trung Quốc và với các doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu các chương trình phát triển vũ khí công nghệ cao.

Danh sách các công ty có quan hệ mật thiết với quân đội và chính phủ Trung Quốc được chính quyền Tổng thống Trump công bố vào giữa tháng 11/2020. Cũng vào thời điểm đó đó, chính quyền Nhà Trắng đã thông qua dự luật cấm các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức Mỹ mua cổ phần của các công ty “do quân đội Trung Quốc sở hữu và kiểm soát”.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-ngung-huy-niem-yet-3-dai-gia-cong-nghe-trung-quoc-tren-san-chung-khoan-post113915.html