Mỹ sẽ 'mạnh tay' xử lý hàng nhái, hàng giả trên nền tảng thương mại điện tử

Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch trấn áp hàng giả và hàng nhái được bán trên các trang web thương mại điện tử lớn, đồng thời kêu gọi các công ty nỗ lực hơn nữa để kiểm tra các nhà bán hàng bên thứ ba và tăng cường tự kiểm soát.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ công bố kế hoạch trấn áp hàng giả và hàng nhái được bán trên các trang web thương mại điện tử lớn. (Nguồn: The Logical Indian).

Theo các quan chức Washington, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Chad Wolf và Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro sẽ tham gia một cuộc họp báo ngày 24/1 (theo giờ địa phương) để thảo luận về kế hoạch trên tại Trung tâm điều phối Quyền Sở hữu Trí tuệ Quốc gia ở Arlington, bang Virginia.

Giới thực thi pháp luật Mỹ đang lên kế hoạch "hành động ngay lập tức" để xác định các loại hàng giả, đồng thời tìm kiếm tất cả những biện pháp hiện hành để có thể đưa ra các án phạt dân sự cùng những hình phạt khác đối với các thực thể vi phạm.

Ngoài ra, Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đang tìm kiếm cơ sở pháp lý rõ ràng cho phép Chính phủ kiểm soát các thị trường và trung gian của bên thứ ba tham gia kinh doanh hàng giả.

Trước đó vào hồi tháng 4/2019, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh điều tra các sản phẩm giả trên các nền tảng thương mại trực tuyến của bên thứ ba. Ông cũng yêu cầu thêm thông tin về cách Chính phủ Mỹ có thể theo dõi và kiềm chế những hoạt động tương tự một cách tốt hơn.

Một bản ghi nhớ được Tổng thống Trump ký kết cho biết giá trị thương mại toàn cầu của hàng giả và hàng lậu có thể tăng lên 500 tỷ USD mỗi năm. Trong đó, khoảng 20% những giao dịch này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Các quan chức cho hay nếu các công ty áp dụng tốt các biện pháp kiểm soát, Chính quyền tin điều đó sẽ giúp giảm đáng kể việc buôn bán hàng giả và hàng lậu.

Các công ty thương mại điện tử bao gồm Amazon.com, eBay Inc và Alibaba Group Holding Ltd đều có chính sách cấm hàng nhái, hàng giả. Họ cũng viện dẫn các khoản đầu tư vào những chương trình tránh hàng nhái hàng giả trên nền tảng thương mại trực tuyến của những công ty này.

Trong năm 2019, Amazon cho biết họ đã đầu tư mạnh vào các biện pháp chủ động để ngăn chặn hàng giả tiếp cận nền tảng thương mại của mình. Chỉ riêng trong năm 2018, Amazon đã chi hơn 400 triệu USD để chống lại hàng nhái hàng giả, lừa đảo và các hình thức lạm dụng tín nhiệm khác.

Bên cạnh đó, trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc được ký kết trong tháng này, phía Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc áp dụng các thủ tục hình sự và dân sự “mạnh mẽ” hơn để chống lại hành vi xâm phạm bản quyền, hàng lậu và hàng giả trên môi trường thương mại trực tuyến.

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/my-se-manh-tay-xu-ly-hang-nhai-hang-gia-tren-nen-tang-thuong-mai-dien-tu-108330.html