Mỹ sẽ xuất khẩu 20 triệu liều vắc-xin, Trung Quốc phạt quan chức để dịch tái bùng phát
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ gửi thêm ít nhất 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 ra nước ngoài vào cuối tháng 6 tới.
Theo hãng thông tấn Reuters, động thái này đánh dấu lần đầu tiên Mỹ xuất khẩu các loại vắc-xin Covid-19 được cấp phép sử dụng ở nước này.
Phát biểu tại Nhà Trắng vào tối 17/5 (giờ Mỹ), Tổng thống Biden thông báo chính quyền của ông sẽ cung cấp khoảng 20 triệu liều vắc-xin Covid-19 của Pfizer-BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson, bên cạnh 60 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca mà ông từng lên kế hoạch trước đó, cho các quốc gia khác.
"Cũng giống như trong Thế chiến thứ II, khi nước Mỹ là kho chứa vũ khí của nền dân chủ, thì trong cuộc chiến với dịch Covid-19, quốc gia của chúng tôi sẽ là kho chứa vắc-xin", ông Biden nói trong bài phát biểu.
Người đứng đầu nước Mỹ cũng lưu ý rằng, không một quốc gia nào khác sẽ gửi nhiều vắc-xin ra nước ngoài hơn Mỹ. Cho đến nay, nước này đã gửi hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca đến Canada và Mexico.
"Chúng tôi muốn dẫn đầu thế giới bằng các giá trị của mình thông qua việc thể hiện tính đổi mới, sự trung thực cùng những phép tắc mang tính cơ bản của người Mỹ", ông Biden cho biết.
Dù vậy, Nhà Trắng chưa cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về những quốc gia sẽ được cấp vắc-xin Covid-19. Jeff Zient, người đứng đầu các nỗ lực phân phối vắc-xin tại Mỹ, được Tổng thống Biden tuyên bố sẽ chỉ đạo việc thúc đẩy xuất khẩu vắc-xin ra toàn cầu.
Theo Reuters, với việc ngày càng nhiều người dân tại Mỹ đã được tiêm chủng, số ca tử vong bởi Covid-19 ở nước này vào tuần trước đã giảm xuống mức thấp nhất sau gần 14 tháng, trong khi số ca nhiễm mới cũng tiếp tục giảm trong tuần thứ 5 liên tiếp.
Trung Quốc xử phạt nhiều quan chức để dịch tái bùng phát
Thời báo Hoàn Cầu ngày 17/5 đưa tin, ít nhất 5 quan chức tại các tỉnh Liêu Ninh và An Huy (Trung Quốc) đã bị cách chức, và hơn chục quan chức khác bị cảnh cáo vì lơ là nhiệm vụ trong quá trình xử lý các bệnh nhân Covid-19 có triệu chứng sốt.
Theo thông báo của chính quyền Liêu Ninh, 3 quan chức tại thành phố Dinh Khẩu của tỉnh này đã bị cách chức. Ngoài ra, 12 quan chức khác tại Liêu Ninh cũng bị cảnh cáo, trong đó có phó lãnh đạo Ủy ban Y tế tỉnh. Một bệnh viện tư nhân ở thành phố Dinh Khẩu, có liên quan tới ít nhất 4 bệnh nhân Covid-19, đã bị buộc tạm ngưng hoạt động.
Trong khi đó, giới chức thành phố Lục An, tỉnh An Huy đã cách chức 2 quan chức y tế địa phương trong hôm 16/5. Thành phố cũng tạm ngưng hoạt động của 2 cơ sở y tế và tước chứng chỉ hành nghề của các bác sĩ có liên quan.
Sự xuất hiện trở lại các ca nhiễm Covid-19 ở An Huy và Liêu Ninh vào các hôm 13 và 14/5 đã đặt Trung Quốc đại lục trong tình trạng báo động, sau khoảng 20 ngày không có bất kỳ ca nhiễm mới nào trong cộng đồng. Theo Thời báo Hoàn Cầu, 2 tỉnh này đã ghi nhận ít nhất 16 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 13 ca không có triệu chứng.
Đài Loan tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục
Đài Loan (Trung Quốc) hôm 17/5 ghi nhận tới 335 ca nhiễm Covid-19 mới, phá vỡ kỷ lục trước đó 1 ngày là 206 ca.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, chỉ 2 trong số 335 ca nhiễm mới ở Đài Loan không phải ca nhiễm trong cộng đồng. Số bệnh nhân Covid-19 mới tập trung tại 2 thành phố Đài Bắc và Tân Đài Bắc với lần lượt 158 và 148 ca nhiễm, có độ tuổi trải dài từ 5 đến 90.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần này khiến giới chức quản lý hòn đảo phải tuyên bố đóng cửa mọi trường học dưới cấp đại học tại Đài Bắc và Tân Đài Bắc cho tới ngày 28/5.
Trước đó, 2 thành phố này đã phải áp dụng lệnh “phong tỏa mềm” nhằm giới hạn quy mô các buổi tụ tập đông người ở trong nhà và ngoài trời, đồng thời đóng cửa hầu hết các cơ sở kinh doanh giải trí. Động thái này được đưa ra sau khi Đài Loan lần lượt ghi nhận khoảng 200 ca nhiễm mới mỗi ngày trong 2 ngày 15 và 16/5.
“Mọi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống Covid-19 và cắt giảm các hoạt động hết sức có thể”, lãnh đạo y tế Đài Loan Trần Thời Chung phát biểu hôm 17/5.
Theo trang thống kê Worldometers, Đài Loan hiện đã ghi nhận tổng cộng 2.017 ca nhiễm và 12 ca tử vong bởi Covid-19, tính đến sáng 18/5.
Nhiều biến thế ‘siêu lây nhiễm’ có thể đã xuất hiện ở Malaysia
Một số nhà khoa học cảnh báo Malaysia rất có thể đã trở thành ổ dịch chứa một số biến thể siêu lây nhiễm của virus corona, sau khi ít nhất 2 biến thể siêu lây nhiễm đã được phát hiện ở nước này.
Theo báo New Strait Times, Bộ Y tế Malaysia chỉ đang tập trung vào các biến thể ngoại nhập như B.1.617 ở Ấn Độ, mà dường như đã quên mất những biến thể trong nước cũng có thể tạo ra các làn sóng lây nhiễm.
Dù Trung tâm nghiên cứu và giáo dục các bệnh truyền nhiễm của Malaysia đã xác định được ít nhất 2 biến thể siêu lây nhiễm của virus corona trong nước, tờ báo này vẫn cho rằng "đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm".
Giáo sư Sazaly Abu Bakar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và giáo dục các bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Malaya, tin rằng nhiều biến thể "siêu lây nhiễm" mới đã xuất hiện ở Malaysia từ rất lâu. Điểm khiến ông đáng lo ngại là những ca lây nhiễm mới này không có biểu hiện triệu chứng nào, và Malaysia chưa thể nghiên cứu được bộ gene của các biến thể trong nước.
Bộ Y tế Malaysia cảnh báo tình hình lây nhiễm tại Selangor, bang giàu nhất nước này, là không thể kiểm soát, đồng thời thúc giục chính phủ ra lệnh ngưng tất cả các hoạt động sản xuất tại bang này. Kể từ ngày 5/5 đến nay, số ca nhiễm Covid-19 mới tại Selangor luôn trên mức 1.000 ca/ngày, chiếm hơn 1/4 số ca nhiễm mới của Malaysia.
Hơn 474.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 1.947 trường hợp tử vong, đã được ghi nhận tại quốc gia Đông Nam Á tính đến sáng ngày 18/5, theo trang thống kê Worldometers. Con số trên đưa Malaysia trở thành nước có số người tử vong vì Covid-19 cao thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines.
Việt Anh