Mỹ: Số trẻ em nhập viện do nhiễm biến thể Omicron tăng nhanh

Nhân viên y tế Israel tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em tại Jerusalem ngày 23/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi tỉ lệ trẻ nhập viện vì COVID-19 tại Mỹ liên tục "cán mốc" cao mới, các dấu hiệu ban đầu cho thấy tỉ lệ bệnh nặng do nhiễm Omicron có thể thấp hơn.

Các số liệu chính thức cho thấy trong tuần kết thúc vào ngày 28/12, số ca nhập viện trung bình ở độ tuổi từ 0-17 là 378 ca/ngày, tăng 66,1% so với tuần trước đó và là mức cao nhất từ trước tới nay, vượt qua cả mức đỉnh trong làn sóng lây nhiễm do biến thể Delta gây ra ngày 1/9.

Nhóm tuổi khác có tỉ lệ nhập viện cũng đạt kỷ lục mới là 18-29 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nặng ở trẻ thấp hơn nhiều so với các nhóm tuổi cao hơn. Cụ thể, có 803 ca tử vong ở độ tuổi từ 0-18, trong số hơn 820.000 ca nhiễm kể từ đầu dịch đến nay.

Một nghiên cứu sơ bộ tại Hongkong (Trung Quốc) dựa trên xét nghiệm mẫu tế bào trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể Omicron sinh sôi trong phế quản và khí quản nhanh gấp 70 lần so với Delta.

Điều này có thể giải thích cho tình trạng lây lan cực nhanh của virus này trong cộng đồng hiện nay. Cũng nghiên cứu trên cho thấy triệu chứng tương đối nhẹ là vì Omicron sinh sôi trong phổi chậm hơn 10 lần so với Delta. Một nghiên cứu trên chuột do Đại học Tokyo thực hiện cũng đưa ra kết luận tương tự.

Jim Versalovic, một nhà nhân chủng học và miễn dịch học tại Bệnh viện Nhi bang Texas (Mỹ), bệnh viện nhi lớn nhất nước Mỹ, cho biết: "Dựa trên những gì chúng tôi thu thập được, biến thể Omicron không gây bệnh nặng hơn nhưng tác động đến nhiều trẻ em hơn. Chính vì vậy, số trẻ nhập viện vì COVID-19 tăng cao".

Theo ông, phần nhiều trẻ có triệu chứng bệnh nhẹ khi nhiễm Omicron, giống như quan sát thấy ở người trưởng thành.

Có một số nhân tố giải thích tại sao tỉ lệ nhiễm và nhập viện ở trẻ em tăng nhanh hơn so với các nhóm tuổi cao hơn.

Theo cố vấn y tế cấp cao của Mỹ, ông Anthony Fauci, vì các bệnh viện thường xét nghiệm COVID-19 cho tất cả người nhập viện nên tình cờ phát hiện ca nhiễm. Bên cạnh đó, tỉ lệ tiêm phòng cho trẻ từ 5-11 tuổi vẫn ở mức thấp nhất.

Theo Trung tâm phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), chỉ 15% nhóm tuổi này đã tiêm phòng đầy đủ, trong khi con số này là 84% ở nhóm từ 12 tuổi trở lên

.

Thực tế cho thấy số trẻ nhập viện tại Bệnh viện Nhi Texas hầu hết là chưa tiêm phòng. Chuyên gia Versalovic nhấn mạnh thực tế trên đã gửi một thông điệp đến các bậc phụ huynh là "không còn thời gian để lãng phí, hãy đi tiêm phòng ngay" cho cả gia đình, bao gồm người lớn để tránh lây bệnh cho con trẻ. Hiện trẻ từ 0-5 tuổi chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Dự kiến, việc cấp phép tiêm cho nhóm tuổi này có thể được đưa ra trong năm tới.

Trong khi đó, cùng ngày, tại Argentina lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi giữa tháng 3/2020, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới lên tới hơn 50.000 trường hợp và đây là ngày thứ hai liên tiếp kỷ lục về số ca dương tính với SARS-CoV-2 trong 24 giờ được xác nhận tại quốc gia Nam Mỹ này.

Theo bản tin mới nhất của Bộ Y tế Argentina, sau một thời gian lắng dịu qua đó giúp chính phủ từng bước nới lỏng hầu hết biện pháp hạn chế, tình hình dịch bệnh bắt đầu có dấu hiệu gia tăng trở lại vào tháng 11 và tăng mạnh trong những tuần gần đây.

Trước đó, số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỷ lục trong một ngày được ghi nhận vào ngày 27/5 với hơn 41.000 trường hợp vào giai đoạn căng thẳng nhất của làn sóng dịch thứ hai.

Việc số ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao đột biến trong những ngày qua trùng với thời điểm bắt đầu giai đoạn nghỉ Hè ở Nam Bán cầu và hàng trăm nghìn người di chuyển tới các điểm du lịch trên khắp Argentina.

Cùng với đó là các hoạt động kết thúc năm học của học sinh, sinh viên các cấp với nhiều hoạt động tụ tập đông người khiến cho khả năng lây bệnh dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Argentina, điểm đáng lưu ý trong đợt bùng phát dịch lần này là số ca bệnh nặng và tử vong đều ở mức thấp.

Trong 24 giờ qua số ca tử vong được ghi nhận là 35 trường hợp, trong khi giai đoạn đỉnh dịch hồi tháng 6 số ca tử vong trong 24 giờ được công bố lên tới 792 trường hợp. Trong khi đó, số ca bệnh nặng đang phải điều trị tại các khoa hồi sức tích cực là 1.004 người.

Bộ trưởng Y tế Argentina cho biết làn sóng dịch thứ ba đã bắt đầu tấn công mạnh vào nước này với số ca nhiễm tăng cao, song điều đáng mừng là số ca bệnh phải nhập viện không tăng nhờ hiệu quả của chương trình tiêm chủng đại trà được khởi động từ đầu năm.

Đến nay đã có hơn 38 triệu trong tổng số 45 triệu người dân Argentina đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19 và hơn 32 triệu người đã hoàn tất phác đồ tiêm vắc xin. Ngoài ra, Chính phủ Argentina cũng đã khởi động chương trình tiêm mũi vắc xin tăng cường và đến nay đã có gần 3 triệu người được tiêm bổ sung.

Rõ ràng dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trở lại tại Argentina sau một giai đoạn tạm lắng dịu là điều đáng lo ngại.

Tuy nhiên, việc chính phủ nước này không áp dụng nhiều các biện pháp hạn chế như trước đây cho thấy cách đánh giá của giới lãnh đạo và chuyên môn về tính chất của căn bệnh này đã có sự thay đổi đáng kể.

Có chăng là việc chính quyền trung ương và các địa phương sẽ không tổ chức các hoạt động chào đón Năm mới tại các điểm công cộng như thông lệ, cũng như khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng dịch.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/269274/my--so-tre-em-nhap-vien-do-nhiem-bien-the-omicron-tang-nhanh.html