Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Đài Loan, Trung Quốc đối phó như thế nào?
Quan hệ Mỹ - Trung Quốc - Đài Loan đang có những diễn biến mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 18/8 tuyên bố ông đã chấp thuận bán 66 máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan; ngày 19/8, Trung Quốc lập tức bày tỏ phản đối và đòi phía Mỹ 'phải ngay lập tức hủy bỏ kế hoạch'.
Sáng ngày 20/8, ông Brent Christensen, Giám đốc Hiệp hội Mỹ ở Đài Loan (American Institute in Taiwan - AIT), đã thực hiện một cuộc chuyến đi được tuyên truyền công khai tới thành phố Cao Hùng ở phía nam, lên thăm hai chiếc tàu đổ bộ và khu trục mà Mỹ bán cho Đài Loan trước đây. Hành động này được cho là cố ý thể hiện cho phía Trung Quốc Đại Lục thấy mối quan hệ gắn kết về quân sự giữa Mỹ với Đài Loan.
Vào buổi trưa, ông Brent đã cho đăng tải lên Facebook một bức ảnh chụp với chiếc xe bọc thép lội nước dùng để đột kích đổ bộ loại AAV-7 và tàu khu trục lớp Cơ Long (Keelung) mang tên Tô Áo (Su-ao) tại căn cứ hải quân Tả Doanh (Zuoying).
Ông Christensen nói Đài Loan đã mua 54 chiếc xe tấn công AAV-7 này từ Mỹ và tổ chức tiếp nhận tại một buổi lễ ở căn cứ Hải quân Tả Doanh vào năm 2006. Ông cũng nói, trong cơn bão Morakot năm 2009, quân đội Đài Loan đã đưa những xe lội nước này đến khu vực thảm họa để hỗ trợ giải cứu người bị nạn.
Ông Christensen nhấn mạnh, ngoài việc hợp tác lâu dài trong mua bán vũ khí; Mỹ và Đài Loan còn tiếp tục duy trì cùng phối hợp viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; giúp Đài Loan trở thành một thành viên không thể thiếu trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Ông Brent Christensen chụp ảnh bên cạnh xe lội nước tấn công AAV-7 của hải quân Đài Loan
Nói về tàu khu trục Tô Áo (Su-ao), Christensen cho biết Đài Loan hiện có tổng cộng 4 chiếc cùng loại, có khả năng phòng không mạnh, chống tàu mặt nước, chống tàu ngầm và khả năng quản lý chiến trường; lúc thường đảm nhận nhiệm vụ tuần tra vùng biển; thời chiến là kỳ hạm của đội tàu chiến đấu. Ông cũng nói, ngoài việc bán vũ khí phòng thủ của Đài Loan theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan, Mỹ còn trao đổi nhân sự và đào tạo nhân viên để cùng nhau bảo vệ tự do và an toàn hàng hải trên biển.
Do trước đây các đời Giám đốc AIT khi đến thăm các cơ sở quân sự Đài Loan đều không đưa tin, nên thế giới bên ngoài tin rằng lần này, ông Christensen chủ động tuyên truyền đăng tin ảnh lên mạng xã hội, chắc chắn đã được chính phủ Mỹ ủy quyền và có nghĩa chính trị mạnh mẽ cho phía Trung Quốc Đại lục.
Ông Brent Christensen và đoàn AIT thăm căn cứ hải quân Tả Doanh
Đối với việc Mỹ bán máy bay chiến đấu F-16V cho Đài Loan, Tân Hoa xã, cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc hôm 19/8 đã đăng bình luận, phản đối việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan, khẳng định đây là lập trường nhất quán và kiên quyết của Bắc Kinh; nhấn mạnh rằng Trung Quốc quyết không để cho vụ giao dịch này diễn ra thuận lợi. Đối với phía Đài Loan, Đại lục có thể tăng cường áp lực quân sự; thậm chí không loại trừ việc phá hủy tất cả các thiết bị quân sự mà Đài Loan mua của nước ngoài khi cần thiết, và mở rộng phạm vi tuyên bố chủ quyền của PLA mở rộng ra khu vực nơi hiện nay diễn ra các hoạt động quân sự của Đài Loan.
Đối với Mỹ, Tân Hoa xã chủ trương từ nay về sau Trung Quốc sẽ trực tiếp gắn việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan với việc Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Hoa Kỳ bán bao nhiêu vũ khí cho Đài Loan, Trung Quốc sẽ giảm bớt số tiền mua nông sản Mỹ bấy nhiêu.
Đáng chú ý, ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) - Tổng biên tập của “Thời báo Hoàn cầu”, một ấn phẩm của Nhân dân Nhật báo - cơ quan truyền thông chính thức Trung Quốc, hôm 19/8 đã viết bài cho biết đây là trường hợp Mỹ bán cho Đài Loan số lượng vũ khí lớn nhất trong những năm gần đây. Năm 1992, chính phủ của Tổng thống G.Bush (cha) đã quyết định bán 150 máy bay chiến đấu F-16A/B trị giá 6 tỷ USD cho Đài Loan. Vụ bán vũ khí này đã gây nguy hại nghiêm trọng cho quan hệ Trung - Mỹ. Lần này, Trung Quốc cũng buộc phải phản ứng rất mạnh mẽ với việc Mỹ bán máy bay chiến đấu tấn công cho Đài Loan.
Việc Mỹ bán 66 máy bay F-16V trị giá 8 tỷ USD cho Đài Loan khiến Trung Quốc rất tức giận
Hồ Tích Tiến cho rằng, nói một cách khách quan, trong tình hình sức mạnh chiến đấu của PLA đã tăng lên rất nhiều hiện nay, khoản chi phí quân sự của Đài Loan cho việc mua số vũ khí đó của Mỹ cũng không có ảnh hưởng thực chất đến tình hình quân sự ở Eo biển Đài Loan. Đài Loan từ lâu đã không thể là đối thủ quân sự của Đại Lục. PLA có khả năng giải giáp quân đội Đài Loan trong một thời gian ngắn. Việc bán vũ khí của Mỹ cho quân đội Đài Loan không thể thay đổi được thực tế cơ bản này. Tuy nhiên, việc bán vũ khí của Mỹ cho Đài Loan đã trở thành mối liên kết lớn nhất để củng cố mối quan hệ chính trị giữa Đài Loan và Mỹ. Mua vũ khí của Hoa Kỳ cũng giống như trả chi phí bảo vệ; cũng là thứ để Mỹ chống lưng cho thế lực đòi Đài Loan độc lập hành động cực đoan và là một trong những thủ đoạn để mị dân Đài Loan.
Ông Hồ Tích Tiến nói, Trung Quốc Đại Lục có thể hành động theo hai hướng. Thứ nhất là, tăng cường áp lực quân sự đối với Đài Loan; trước hết phải loại bỏ “điểm chính trị” mà chính quyền của bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) muốn đạt được qua việc mua sắm quân sự này, kiên quyết biến nó thành điểm xấu chính trị của chính quyền và của bản thân bà Thái. Đài Loan càng mua vũ khí của Mỹ thì nguy hiểm càng lớn, ai thúc đẩy mua sắm quân sự thì người đó bị thiệt thòi về chính trị; Đại Lục phải kiên quyết hành động để thiết lập nhận thức mới về vấn đề mua vũ khí ở chính trường Đài Loan.
Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập “Thời báo Hoàn cầu” chủ trương gắn việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan với việc Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ
Ông Hồ Tích Tiến cũng nói, đối với Mỹ, Trung Quốc cần kiên quyết khấu trừ khoản đô la Mỹ bán F-16V khỏi mậu dịch với Trung Quốc, bất kể đó là loại chuỗi nào. Những bước ngoặt trong các cuộc đàm phán kinh tế và thương mại Trung-Mỹ cho thấy Mỹ không có giới hạn nào, càng kéo dài cuộc đấu tranh không thể tránh khỏi với họ, Trung Quốc sẽ càng bị thiệt. Từ nay về sau, Trung Quốc sẽ trực tiếp gắn việc bán vũ khí của Mỹ với Đài Loan với việc Trung Quốc mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ. Mỹ bán bao nhiêu vũ khí cho Đài Loan thì Trung Quốc sẽ mua ít nông sản Mỹ đi bấy nhiêu. Chỉ cần Trung Quốc hình thành quyết định này và kiên trì thực thi trong vài năm, ắt sẽ tạo thành một cuộc đối đầu giữa nông dân Mỹ và những hãng buôn bán vũ khí. Sẽ không mất quá nhiều thời gian để hình thành một lực lượng chống lại việc bán vũ khí cho Đài Loan ở Mỹ.
Ngoài ra, một cựu quan chức quốc phòng Mỹ đã chỉ ra rằng việc bán các vũ khí thiết bị quân sự này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan và chỉ rõ Đài Loan phải sử dụng những vũ khí này với khái niệm chiến lược để phát huy tối đa hiệu lực của chúng.