Mỹ tăng cường sức ép với Trung Quốc ở Biển Đông

u tháng này, tàu USS Carl Vinson của Mỹ đã tiến hành cuộc tập trận hải quân kéo dài 5 ngày với Nhóm sẵn sàng đổ bộ Essex (ARG) gần nhóm đảo Trường Sa đang có tranh chấp nóng bỏng trên Biển Đông.

Các cuộc tập trận bắt đầu sớm hơn hai tuần so với năm ngoái, cho thấy Lầu Năm Góc ngày càng muốn thách thức sự quyết đoán của hải quân Trung Quốc trong khu vực.

Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ. Ảnh: WikiCommons

Nhiều nhà lãnh đạo châu Á từng lo ngại Mỹ có thể rút lại cách tiếp cận mạnh mẽ với Trung Quốc sau khi cựu Tổng thống Donald Trump không thể tái đắc cử. Sau khi Tổng thống hiện tại Joe Biden kế nhiệm vào năm 2020, một số đồng minh của Mỹ ở châu Á lại càng lo lắng.

Tuy nhiên, sau một năm nhậm chức, chính quyền Biden cho thấy họ vẫn đang theo đuổi trong chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Thậm chí Tổng thống Biden còn cho thấy một sự phản kháng còn toàn diện hơn trước sự quyết đoán của Bắc Kinh trên Biển Đông hay eo biển Đài Loan.

Dữ liệu mới nhất cho thấy Mỹ đã triển khai thêm tàu chiến đến vùng biển tranh chấp vào năm 2021, phù hợp với luật pháp quốc tế và thể hiện rõ sự ủng hộ đối với các đồng minh. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi quân sự của hai siêu cường trong khu vực cũng làm tăng nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ ngẫu nhiên và các sự cố không lường trước được.

Trong năm đầu tiên của ông Biden, Lầu Năm Góc đã triển khai các nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông gần như hàng tháng - 10 lần khác nhau trong suốt 12 tháng, theo số liệu Sáng kiến thăm dò Biển Đông của Đại học Bắc Kinh (SCSPI). Trong khi đó, chính quyền Trump chỉ triển khai 6 hoạt động tàu sân bay vào năm 2020 và chỉ 5 trong năm 2019 trước đó.

Mỹ vừa mở rộng triển khai hải quân, vừa quyết liệt trong chiến tranh pháp lý, bao gồm việc gần đây phát hành tài liệu nghiên cứu dài 47 trang của Bộ Ngoại giao Mỹ, bác bỏ toàn diện các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo đó, tài liệu 47 trang được Mỹ công bố ngày 12/1 "có thể cung cấp thông tin cho các đồng minh và đối tác sử dụng để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc", cũng như thể hiện rằng các quốc gia tuân thủ luật pháp quốc tế sẽ không chấp nhận hành động cưỡng ép hay quân sự hóa đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp ở Biển Đông.

Hoàng Huy (theo Asian Times)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-tang-cuong-suc-ep-voi-trung-quoc-o-bien-dong-post179270.html