Mỹ tăng tốc trong 'cuộc đua' tới châu Phi

Tại hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ - châu Phi lần thứ 13 diễn ra theo hình thức trực tuyến gần đây, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Phi của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Dana Banks cho biết, Washington đã lên kế hoạch khôi phục sáng kiến 'Châu Phi thịnh vượng' được đưa ra dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Người dân mua sắm tại một siêu thị Shoprite ở Kano, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân mua sắm tại một siêu thị Shoprite ở Kano, Nigeria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi sáng kiến này là “trung tâm cam kết kinh tế và thương mại của Mỹ” với châu Phi.

Cam kết thúc đẩy sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng” thể hiện mong muốn của Tổng thống Biden nhằm đưa Mỹ trở lại châu Phi. Hội nghị cấp cao doanh nghiệp Mỹ - châu Phi với chủ đề “Con đường mới cho quan hệ đối tác kinh tế Mỹ - châu Phi” là cơ hội để Mỹ tìm cách duy trì và phát huy ảnh hưởng ở một châu lục mà nhiều cường quốc khác trên thế giới cũng đang nhắm tới. Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi cung cấp bổ sung gần 80 triệu USD cho sáng kiến “Châu Phi thịnh vượng”, tập trung vào vấn đề phụ nữ và công bằng, nâng cao vai trò cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để không bị tụt lại trong cuộc đua tới châu Phi, chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy mở rộng quan hệ kinh doanh giữa các công ty Mỹ và các đối tác ở châu Phi, tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, y tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng giao thông. Chính quyền của ông Biden đã tăng cường hỗ trợ vaccine ngừa Covid-19 cho châu Phi, với 25 triệu liều. Liên minh châu Phi (AU) cũng là bên được ưu tiên trong kế hoạch của Mỹ hỗ trợ 500 triệu liều vaccine của Hãng Pfizer cho 92 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp.

Việc Tổng thống Biden chủ trương đưa Washington quay trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có ý nghĩa đặc biệt với châu Phi, bởi Mỹ là nước đóng góp hàng đầu cho WHO và một phần không nhỏ số tiền được phân bổ cho dự án tại các quốc gia đang phát triển ở châu Phi, vốn đang gặp nhiều khó khăn với các loại dịch bệnh. Tổng thống Biden cũng đã hủy bỏ lệnh hạn chế nhập cảnh đối với công dân một số quốc gia đạo Hồi tại châu Phi.

Những điều chỉnh chính sách của Mỹ được giới phân tích cho là bước đi đúng hướng, đưa Mỹ trở lại củng cố ảnh hưởng ở châu Phi. Chuyên gia Sithembile Mbete tại Đại học Pretoria (Nam Phi) nhận định, khi Mỹ đang nỗ lực xây dựng năng lực chiến lược và vị trí quan trọng trong chính trị toàn cầu, chính quyền Tổng thống Biden cần tập trung vào châu Phi, lục địa có dân số trẻ và thị trường nhiều tiềm năng.

Giáo sư Michael Chege tại Đại học Nairobi (Kenya) cho rằng, nhiều chính sách then chốt từ thời chính quyền của các cựu Tổng thống Clinton và Obama đối với châu Phi sẽ được hồi sinh, trong khi một số sáng kiến thời cựu Tổng thống Trump về tăng cường thương mại với châu Phi sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Chiến lược của chính quyền cựu Tổng thống Trump với tên gọi “Châu Phi thịnh vượng” nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Mỹ kinh doanh và đầu tư tại châu Phi và tầng lớp người có thu nhập trung bình đang tăng tại châu lục này.

Tiếp nối các chính sách của các chính quyền tiền nhiệm về tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở châu Phi, chính quyền Tổng thống Biden đang có cách tiếp cận chặt chẽ hơn nhằm đưa Washington bứt phá lên trong “cuộc đua” tới châu lục này. Châu Phi giàu tiềm năng tiếp tục là một “điểm đến” đáng chú ý đối với Mỹ trong thời gian tới.

THANH HẢI

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/my-tang-toc-trong-cuoc-dua-toi-chau-phi-661297/