Mỹ tăng tốc xanh hóa năng lượng
Mỹ đang khuyến khích đầu tư các nguồn năng lượng xanh nhằm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Riêng năm 2023, tổng mức đầu tư cho năng lượng xanh tại Mỹ đạt kỷ lục 239 tỷ USD.
Tại Mỹ, các quy định đã được ban hành nhằm rót hàng tỷ USD vào việc phát triển năng lượng xanh với mục tiêu là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Các khoản tín dụng thuế đã khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường. Tổng mức đầu tư cho năng lượng xanh tại Mỹ năm 2023, bao gồm cả từ nguồn chính phủ và tư nhân, đạt kỷ lục 239 tỷ USD.
*Lực đẩy từ Đạo luật Giảm lạm phát
Hồi tháng 2/2024, công ty LanzaJet của Mỹ chuyên sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) từ ethanol đã thông báo kế hoạch xây dựng nhà máy thứ hai có quy mô lớn hơn trên lãnh thổ Mỹ. Nhà máy thứ hai này sẽ bổ sung cho nhà máy tại Soperton, Georgia, nhà máy sản xuất SAF từ ethanol quy mô thương mại đầu tiên trên thế giới.
Giám đốc điều hành LanzaJet, Jimmy Samartzis, cho rằng Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Joe Biden đã ký thành luật vào tháng 8/2022 có một tác động lớn. Ông cho biết, công ty xây dựng thêm nhà máy tại Mỹ nhờ tín dụng thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát và hệ thống hỗ trợ chung mà Chính phủ Mỹ đã thực hiện.
Đạo luật Giảm lạm phát cùng với Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng (BIL) được ban hành vào tháng 11/2021, và các quy định khác nhằm rót hàng tỷ USD vào việc phát triển năng lượng sạch. Mục tiêu là giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và khuyến khích đầu tư tư nhân, thúc đẩy tăng trưởng của các ngành công nghiệp và việc làm xanh, một nền tảng mới của kinh tế Mỹ.
Với thời hạn 10 năm và chi phí ban đầu 391 tỷ USD nhưng hiện đã lên đến 1.000 tỷ USD, một con số vẫn chưa phải là cuối cùng, Đạo luật Giảm lạm phát đưa ra tín dụng thuế mới cũng như các khoản vay và bảo lãnh khoản vay cho việc áp dụng các công nghệ giảm khí thải. Tín dụng thuế được cấp cho các công ty hoặc sản xuất năng lượng sạch hoặc sản xuất thiết bị chuyển đổi năng lượng ở trong nước, trong đó có xe điện (EV) và pin. Người tiêu dùng cũng có thể nhận tín dụng thuế nếu mua xe điện hoặc lắp đặt máy bơm nhiệt. Tín dụng thuế dành cho các nhà sản xuất SAF như LanzaJet là mới theo Đạo luật Giảm lạm phát IRA và ở mức khoảng 1,25-1,75 USD/gallon SAF dù chỉ kéo dài 5 năm. (1 gallon = 3,78 lít).
Bổ sung cho Đạo luật Giảm lạm phát là Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, quy định có hiệu lực 5 năm và cung cấp đầu tư trực tiếp chủ yếu dưới dạng bảo lãnh của chính phủ cho các dự án nghiên cứu và phát triển. Brookings Institution, cơ quan giám sát Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng, cho biết khoảng 77 tỷ USD theo luật này sẽ được dành cho các dự án năng lượng sạch.
Một công ty được hưởng lợi cho đến nay là công ty tái chế pin xe điện Ascend Elements. Công ty này đã nhận được bảo lãnh theo Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng với tổng 480 triệu USD, bằng với khoản đầu tư tư nhân để xây dựng nhà máy sản xuất thương mại thứ hai ở Hopkinsville, Kentucky.
*Đầu tư cho công nghệ xanh
Theo nhà phân tích Adie Tromer tại Brookings, Đạo luật Giảm lạm phát và Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng mở đường cho các khoản đầu tư lớn, vượt các điều khoản liên quan đến cơ sở hạ tầng trong chính sách kinh tế mới. Có một cảm nhận rõ ràng rằng Mỹ đã chú trọng hơn đến việc chuyển đổi sang một nền kinh tế xanh hơn.
Nhà phân tích Trevor Houser của tổ chức nghiên cứu độc lập Rhodium Group cho rằng, trong khi các quy định về tín dụng thuế vẫn đang được hoàn tất, hàng tỷ USD đầu tư công thực tế đang được rót vào nền kinh tế. Rhodium, cùng với Viện công nghệ Massachusetts, điều hành tổ chức Clean Investment Monitor (CIM) để giám sát hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch tại Mỹ. Theo số liệu cập nhật gần đây của CIM, trong tài khóa 2023, chính phủ Liên bang đã đầu tư gần 34 tỷ USD cho năng lượng sạch, đa phần là thông qua tín dụng thuế.
Tổng mức đầu tư cho năng lượng sạch tại Mỹ năm 2023, bao gồm cả từ nguồn chính phủ và tư nhân, đạt kỷ lục 239 tỷ USD, tăng 38% so với năm 2022. Tỷ lệ đầu tư cho năng lượng sạch trong tổng đầu tư tư nhân tại Mỹ tăng từ 3,7% trong quý IV/2022 lên 5% trong quý IV/2023.
Theo ông Houser, Đạo luật Giảm lạm phát có hai tác động tích cực đáng chú ý. Đạo luật này đã thúc đẩy đầu tư tư nhân cho nhiều công nghệ mới đang phát triển rất nhanh như năng lượng Mặt Trời, xe điện và pin. Các công nghệ mới nổi như thu giữ CO2 cũng đã thu hút đầu tư với mức tăng trưởng mạnh.
Đạo luật Giảm lạm phát cùng với Luật Cơ sở hạ tầng lưỡng đảng đã đưa đến tăng trưởng đầu tư ấn tượng cho các công nghệ khí hậu mới nổi như hydro sạch, thu giữ và khử CO2 cùng với SAF. Dù tổng mức đầu tư vẫn tương đối nhỏ so với các công nghệ trưởng thành hơn, Đạo luật Giảm lạm phát về cơ bản đã đưa đến những thay đổi.
* Tác động đến các quốc gia khác
Trong khi đó, cách tiếp cận của Mỹ đang gây sức ép cạnh tranh, buộc châu Âu phải hành động nhiều hơn.
Một số công ty sản xuất năng lượng xanh của châu Âu đang xây dựng nhà máy tại Mỹ để tranh thủ tín dụng thuế thay vì xây dựng tại châu Âu, trong đó có nhà sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời Meyer Burger và nhà sản xuất bình điện phân Nel và John Cockerill.
Theo nhà phân tích Brandon Hurlbut thuộc Boundary Stone Partners, Mỹ trước đây không phải là thị trường của một số doanh nghiệp do châu Âu hấp dẫn hơn.
Đạo luật công nghiệp không phát thải ròng của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực trong năm nay. Đạo luật này không đưa đến các khoản đầu tư mới, nhưng nhằm điều phối nguồn tài chính hiện tại và thuận lợi cho đầu tư vào công nghệ xanh lần đầu tiên, đặt ra một mục tiêu không ràng buộc cho EU trong việc tự đáp ứng 40% nhu cầu về thiết bị năng lượng sạch vào năm 2030.
Điều đang được chờ đợi là chính sách năng lượng sạch của Mỹ sẽ được thực thi ra sao. Nếu Mỹ khiến các nước khác phải nỗ lực thúc đẩy các sản phẩm năng lượng sạch hơn nữa, đó sẽ là điều có lợi cho tất cả.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/my-tang-toc-xanh-hoa-nang-luong/337612.html