Mỹ tham gia trở lại ứng phó với biến đổi khí hậu

Từ ngày 19/2, Mỹ chính thức tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) ký năm 2015. Động thái này cho thấy chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang dần đưa nước Mỹ trở lại với nỗ lực ứng phó với tình trạng BĐKH của cộng đồng quốc tế.

Mặc dù là quốc gia có lượng khí phát thải CO2 lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc nhưng vào tháng 11/2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã chính thức rút khỏi hiệp định Paris về BĐKH. Tuy nhiên, ngay trong lễ nhậm chức ngày 20/1, tân Tổng thống Joe Biden đã ký văn bản xác nhận Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về BĐKH.

 Người dân Mỹ phải chống chọi với giá lạnh vì bão tuyết lịch sử.

Người dân Mỹ phải chống chọi với giá lạnh vì bão tuyết lịch sử.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich diễn ra trực tuyến ngày 19/2, ông Joe Biden cam kết đưa nội dung xử lý khủng hoảng khí hậu thành vấn đề ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng thông báo kế hoạch sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao về khí hậu vào ngày 22/4 tới (trùng với Ngày Trái đất) nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện cam kết quốc gia đầy tham vọng là giảm lượng khí thải gây ra tình trạng ấm lên toàn cầu. Ông Biden cam kết đưa mức độ ô nhiễm trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ về 0 vào năm 2035 và để nền kinh tế Mỹ đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2050.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ứng phó với BĐKH và lắng nghe quan điểm của các nhà khoa học là những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ hiện nay. Ông Blinken khẳng định, việc ứng phó với BĐKH sẽ được thảo luận trong các cuộc họp về an ninh quốc gia, di cư, các biện pháp đối phó với khủng hoảng y tế toàn cầu, cũng như trong các cuộc đàm phán về ngoại giao, kinh tế và thương mại của Mỹ.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về BĐKH, coi đây là một tin tốt lành cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Theo ông, trong 4 năm qua, sự vắng mặt của Mỹ với tư cách là một bên đóng vai trò quan trọng đã tạo ra lỗ hổng trong Hiệp định Paris về BĐKH, có thể ví như "một mắt xích bị thiếu làm suy yếu toàn bộ".

Hiệp định Paris về BĐKH được ký năm 2015 yêu cầu các quốc gia trên thế giới kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5-2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Cho đến nay, nền nhiệt Trái đất đã ấm lên trung bình 1oC, khiến các đợt nắng nóng gây hạn hán và chết người xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, các cơn bão nhiệt đới cũng ngày càng trở nên tàn khốc hơn. Do đó, TTK LHQ kêu gọi Mỹ và các nước trên thế giới hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ông nhấn mạnh, Hiệp định Paris về BĐKH là một thành tựu lịch sử nhưng những cam kết đưa ra cho đến nay là chưa đủ. Theo ông Guterres, năm 2021 là thời điểm quan trọng của hành động vì khí hậu toàn cầu và Hội nghị về BĐKH của LHQ tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) vào tháng 11 tới sẽ là cơ hội then chốt.

Nhà lãnh đạo LHQ nhấn mạnh sự phục hồi sau đại dịch Covid-19 là cơ hội để các nước tái thiết nền kinh tế mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Để làm được điều đó, cần phải đầu tư vào một nền kinh tế xanh, tạo ra việc làm ổn định, được trả lương cao để bảo đảm sự thịnh vượng, công bằng và bền vững hơn. TTK LHQ Guterres khẳng định, hiện là thời điểm thực hiện thay đổi mang tính chuyển đổi: dần loại bỏ than đá; hỗ trợ một quá trình chuyển đổi công bằng, đào tạo và tạo cơ hội cho những người bị ảnh hưởng; ngừng đầu tư vào các dự án nhiên liệu hóa thạch...

Hoài Anh (th)

1,196

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/theo-dong-thoi-su/my-tham-gia-tro-lai-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-84806.html