Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ cơ chế cứu trợ ở khu vực biên giới của Syria
Ngày 4/6, Phái bộ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) cho biết trong một cuộc gặp, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã thảo luận và nhất trí ủng hộ việc mở rộng hoạt động nhân đạo xuyên biên giới của LHQ tại Syria.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, trong một tuyên bố, phát ngôn viên của Phái bộ Mỹ tại LHQ Olivia Dalton nêu rõ: "Hôm nay, Đại sứ Linda Thomas-Greenfield đã gặp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Hai bên tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc duy trì và mở rộng các cửa khẩu biên giới do LHQ ủy quyền nhằm hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cần thiết cho người dân Syria".
Theo tuyên bố, hai nhà ngoại giao cũng tái khẳng định giá trị của mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ và thảo luận về những mối quan tâm chung cũng như các lĩnh vực mà hai nước có thể tăng cường hợp tác, bao gồm cả việc thúc đẩy các giải pháp bền vững cho các cuộc xung đột khu vực.
Cơ chế phân phối viện trợ xuyên biên giới của LHQ, được ủy quyền lần đầu vào năm 2014, sẽ được gia hạn vào tháng tới. Sau cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ về việc gia hạn được thực hiện một năm trước đây, số lượng các cửa khẩu qua biên giới để đưa viện trợ vào Syria đã giảm xuống chỉ còn duy nhất từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc và Nga - hai nước ủy viên thường trực HĐBA LHQ - đã lên tiếng phản đối việc gia hạn mở cửa cả 4 cửa khẩu biên giới.
Nền kinh tế Syria đã bị tàn phá nặng nề. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã giảm từ 60,2 tỷ USD năm 2010 xuống còn hơn 21 tỷ USD năm 2020, với tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức 50% và 80% dân số hiện sống ở dưới mức nghèo khổ. Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Thế giới, xung đột vũ trang đã gây tổn thất khoảng 300 tỷ USD cho Syria. Nhiều thành phố và làng mạc bị tàn phá, khoảng 45% số nhà ở bị phá hủy, hơn một nửa số cơ sở y tế và 70% số trường học phải đóng cửa. Chi phí cho công cuộc tái thiết tại Syria ước tính lên tới 250 tỷ USD.
Tại hội nghị trực tuyến các nhà tài trợ quốc tế cho Syria lần thứ 5 diễn ra cuối tháng 3 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lêu gọi các nhà tài trợ quốc tế quyên góp 10 tỷ USD nhằm viện trợ Syria trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành đang khiến số người cần viện trợ tăng cao sau một thập kỷ xung đột tại nước này. Trong số 10 tỷ USD mà ông kêu gọi có 4,2 tỷ USD sẽ dành để hỗ trợ người dân trong nước Syria và phần còn lại để hỗ trợ người tị nạn ở các nước láng giềng ở Trung Đông. Đây là hội nghị do LHQ và Liên minh châu Âu (EU) đồng tài trợ, thu hút sự tham gia của hơn 50 quốc gia và 30 tổ chức quốc tế.