Mỹ thử nghiệm công nghệ đẩy vệ tinh lên quỹ đạo bằng lực ly tâm
Trang tin quân sự Defense New đăng tải, hãng công nghệ Mỹ SpinLaunch đã phát triển thành công nguyên mẫu máy phóng ly tâm có khả năng đưa vật thể lên không trung với vận tốc lớn.
Tham vọng của SpinLaunch là trong tương lai sẽ tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện công nghệ để cho ra đời máy phóng có khả năng đưa các vật thể nặng lên thượng tầng khí quyển Trái đất. Công việc vốn do tên lửa đẩy truyền thống đảm nhiệm.
Trong lần thử nghiệm mới đây nhất vào cuối tháng 10-2021, nguyên mẫu máy phóng ly tâm của SpinLaunch đã đưa thành công một thiết bị bay dạng tên lửa lên độ cao vài km. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại sân bay vũ trụ America ở bang New Mexico. Sau khi tính toán và thu thập số liệu công nghệ, SpinLaunch đã công bố những hình ảnh về vụ phóng thử đầu tiên bằng máy phóng ly tâm và tự tin tuyên bố vụ thử đã thành công.
Theo tính toán SpinLaunch, trong tương lai gần, hãng công nghệ này có thể phát triển máy phóng ly tâm có thể đưa vật thể lên độ cao 60km sử dụng thuần lực đẩy do quán tính. Tới độ cao trên, vật thể hoặc tên lửa đẩy có thể kích hoạt động cơ đẩy tự thân để bay lên quỹ đạo.
Việc khởi động động cơ tên lửa đẩy ở độ cao 60km sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí của các vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh do việc tên lửa hoạt động ở độ cao lớn, không khí loãng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với phương thức phóng truyền thống từ mặt đất.
Cùng với đó, SpinLaunch cũng tính toán tới khả năng phóng một vật thể lên quỹ đạo hoàn toàn bằng lực ly tâm quán tính với trọng lượng tối đa có thể lên tới 180kg với chi phí rất rẻ.
Hồi tháng 2-2018, Tạp chí công nghệ TechCrunch đánh giá chi phí để phóng một vật thể lên không gian bằng máy phóng ly tâm chỉ vào khoảng 500.000 USD thay vì hàng trăm triệu USD như hiện tại.
Hãng công nghệ SpinLaunch được thành lập năm 2014 bởi Jonathan Yani, người từng thành công trong thương vụ bán máy bay không người lái Titan Aerospace với Tập đoàn tìm kiếm Google.