Mỹ thúc đẩy 'cam kết quyền lực' với Châu Á
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang có kế hoạch ký khung thỏa thuận hợp tác kinh tế với nhiều nước Châu Á.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, bà Gina Raimondo cho biết, khung thỏa thuận hợp này rất linh hoạt khi mà các nước có thể không cần thiết phải tham gia vào tất cả các điều khoản của thỏa thuận.
“Giải mã” thỏa thuận
Những nội dung trọng yếu của thỏa thuận này là điều phối chuỗi cung ứng, các tiêu chuẩn của trí tuệ nhân tạo và kiểm soát xuất khẩu. Thỏa thuận này không chỉ kết nối những nước phát triển, mà còn tạo “sân chơi” cho những nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Thái Lan.
Sở dĩ Mỹ không đề xuất một FTA với các nước Đông Nam Á là do Đông Nam Á hiện nay đã có 2 quốc gia đã ký FTA với Mỹ (Việt Nam và Singapore), đủ để làm cửa ngõ kinh tế cho Mỹ tiến vào Châu Á. Trong khi Nhật Bản, Hàn Quốc là trục liên minh toàn diện với Washington; bên cạnh đó còn có RCEP và CPTPP. Bởi vậy, việc có thêm một FTA do Mỹ chủ trì không mang lại nhiều tác dụng.
Hơn nữa, Mỹ đã chậm chân tới 4 năm dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump, để cho Bắc Kinh nới rộng ảnh hưởng tại Châu Á. Nói cách khác, chính quyền J. Biden không có nhiều thời gian để tổ chức một FTA với các nước Đông Nam Á, bao gồm nhiều phiên đàm phán, sự tham gia của cơ quan lập pháp nhiều nước, khả năng thất bại tiềm tàng. Do đó, thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế chính là lối đi tắt của Mỹ nhằm tiến sâu hơn vào Châu Á.
Tầm nhìn xa của Joe Biden
Cách mạng 4.0 và kinh tế số trên nền tảng AI đang phổ biến, đây là lĩnh vực Trung Quốc chưa thể vượt Mỹ trong trung hạn. Việc cam kết với tiêu chuẩn AI của Mỹ tức là không thể tích hợp với hệ thống Trung Quốc. Cơ sở của viễn cảnh này đã diễn ra trong thực tế khi Trung Quốc tự phát triển công nghệ, còn Mỹ thắt chặt sở hữu trí tuệ đối với Trung Quốc.
Dĩ nhiên, Trung Quốc khó trở thành cường quốc công nghệ nếu như thành quả phát minh của họ không được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Chính xác hơn, đây là đòn phong tỏa từ xa của chính quyền Joe Biden.
Trong khi đó, Mỹ không thể kiểm soát nền ngoại thương đồ sộ của Trung Quốc nếu như không có sự giúp sức của nhiều quốc gia khác. Điển hình là khi chiến tranh thương mại xảy ra, hàng Trung Quốc tìm mọi cách “đội lốt” hàng hóa của nhiều quốc gia để xuất đi Mỹ nhằm tránh thuế. Do đó, Mỹ muốn loại bỏ vai trò của Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng. Để thực hiện điều này, Mỹ đã ký kết thỏa thuận với EU, lôi kéo một số nước Châu Á như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia đảm nhiệm vai trò “công xưởng thế giới” mới.
Như vậy, khung thỏa thuận được xem như sáng kiến thức thời của Mỹ để tham gia vào cấu trúc kinh tế tại Châu Á. Hiện chưa rõ phản ứng của Trung Quốc, nhưng Mỹ có thể sẽ gặp nhiều thách thức khi thuyết phục các thành viên Đông Nam Á tham gia vào khung thỏa thuận này khi họ vẫn đang phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.