Chiến đấu cơ tàng hình F-117A vừa được huy động tham gia cuộc tập trận Red Flag 21-3 của Không quân Mỹ. Đáng chú ý ở chỗ đây đã là lần thứ hai chiếc Nighthawk xuất hiện trong khuôn khổ diễn tập.
Giới phân tích chú ý đến việc F-117A bay qua sa mạc Nevada vào ban ngày trong tình trạng ăng ten liên lạc đã được mở rộng trên thân máy bay, điều này giúp nó dễ dàng bị phát hiện hơn ở một số góc độ nhất định.
Báo chí quốc tế cho rằng Nighthawk đang làm nhiệm vụ bắt chước tiêm kích thế hệ thứ 5 được áp dụng công nghệ tàng hình. Theo truyền thông Mỹ, F-117A có thể mô phỏng cuộc tập trận với J-20 của Trung Quốc.
Một trong những cổng thông tin quân sự quan trọng của Mỹ - trang The Drive lưu ý rằng các chuyến bay của F-117A vẫn được quan sát trong thời gian vài năm sau khi máy bay được thông báo ngừng hoạt động.
Nhưng gần đây Nighthawk ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn. Rõ ràng phương tiện chiến đấu đáng gờm một thời đang bắt chước máy bay tàng hình của đối phương, điều đó sẽ cho phép Không quân Mỹ phát triển những chiến thuật nhằm đối phó với chúng.
Hiện vẫn chưa rõ Lầu Năm Góc sẽ để F-117A Nighthawk "già cỗi" tham gia các cuộc tập trận trong bao lâu, nhưng lúc này phi đội Aggressor của Không quân Mỹ vẫn có kế hoạch sử dụng phương tiện trên trong diễn tập đối kháng.
Trong tương lai, đơn vị có thể sẽ sớm nhận được vài chục biến thể đầu tiên của tiêm kích tàng hình F-35 để thay thế F-117A, khi việc hiện đại hóa chúng theo tiêu chuẩn hiện tại bị xem là không có lợi.
Tuy nhiên xét trên thực tế là danh pháp của các mục tiêu trên không ngày nay vô cùng đa dạng, người Mỹ có thể sử dụng cả hai biến thể của máy bay F-117A và F-35 trong các cuộc huấn luyện của họ.
Trước những ý kiến cho rằng F-117A không thể mô phỏng chính xác J-20 vì độ cơ động kém, ông Justin Bronk - chuyên gia về không chiến tại Viện Dịch vụ Hoàng gia Anh đã đưa ra những quan điểm của mình.
Theo vị chuyên gia thì điều này không đáng ngại, vấn đề đầu tiên được ông Bronk chỉ ra đó là xét về tỷ suất lực đẩy/trọng lượng cũng như khả năng cơ động trong phạm vi hẹp, J-20 không thể so sánh với các tiêm kích chiếm ưu thế trên không của Mỹ và châu Âu.
Kích thước của J-20 khá "kềnh càng" khi đặt cạnh các tiêm kích thế hệ 5 phổ biến hiện nay, khiến cho nó khó lòng thực hiện các thao tác vận động linh hoạt.
Trung Quốc đang tích cực khắc phục điểm yếu trên của J-20 thông qua động cơ nội địa WS-10G theo đúng chuẩn thế hệ 5 nhưng công việc có lẽ còn lâu mới hoàn thành.
Thậm chí nếu như Trung Quốc chế tạo thành công động cơ WS-10G với khả năng giảm tín hiệu hồng ngoại cho J-20 để nó thực sự trở nên vô hình thì cũng chưa có gì đảm bảo tình hình lực đẩy sẽ được cải thiện.
Khả năng tàng hình của chiếc J-20 cũng bị ông Bronk đặt dấu hỏi, vị chuyên gia này khẳng định J-20 chỉ tán xạ sóng radar tốt ở mặt chính diện, khi nó hướng thẳng vào radar của đối phương mà thôi.
“Đối đầu F-15C và Typhoon, J-20 có diện tích phản xạ radar thấp nhưng hiệu suất kém hơn. Ngoài ra các tên lửa không đối không của J-20 khó có thể so sánh với vũ khí cùng loại của Mỹ, hay Meteor của châu Âu”, ông Bronk nói.
Vị chuyên gia còn nêu ý kiến của riêng mình đó là với kích thước lớn của khoang vũ khí, J-20 có lẽ nên được sử dụng cho vai trò khác như cường kích tấn công mặt đất thay vì tiêm kích chiếm ưu thế trên không, nếu vậy nó thực chất sẽ giống hệt F-117A.
Việt Dũng