Mỹ tiêu tốn hơn 6.000 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố

Một báo cáo mới đây của Đại học Brown (Mỹ) chỉ ra rằng, kể từ khi phát động cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11-9-2001, cường quốc số 1 thế giới đã phải tiêu tốn 6.400 tỷ USD vào cuộc chiến này trên phạm vi toàn cầu. Không chỉ có vậy, cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ dẫn đầu còn khiến khoảng 800.000 người thiệt mạng.

Sputnik dẫn báo cáo của Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Watson thuộc Đại học Brown cho biết, số tiền 6.400 tỷ USD đã được chi cho các cuộc chiến tại Afghanistan, Pakistan, Iraq, Syria, Yemen và hàng loạt “các cuộc xung đột nhỏ hơn” tại nhiều nơi khác trên thế giới. Trong số 6.400 tỷ USD nói trên, ước tính có khoảng 1.000 tỷ USD dành cho việc chăm sóc các cựu chiến binh trong vài thập niên tiếp theo. “Thậm chí nếu Mỹ rút toàn bộ khỏi các vùng chiến sự lớn vào cuối năm tài khóa 2020 và dừng các chiến dịch khác trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, tổng gánh nặng về ngân sách dành cho các cuộc chiến hậu 11-9 vẫn sẽ tiếp tục tăng liên quan tới chi phí chăm sóc các cựu chiến binh cũng như lãi suất cho các khoản vay để chi trả cho các cuộc chiến này”, báo cáo nhấn mạnh.

 Binh lính Mỹ tại Afghanistan.Ảnh: RT.

Binh lính Mỹ tại Afghanistan.Ảnh: RT.

Trong khi đó, theo thống kê của Tạp chí National Interest, trong giai đoạn 2001-2019, Mỹ đã chi 5.900 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, trong đó hơn 2.000 tỷ USD chi cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, 924 tỷ USD cho an ninh nội địa, 353 tỷ USD để chăm sóc y tế và thương binh đối với các quân nhân Mỹ từng phục vụ ở các khu vực chiến sự trên thế giới.

Cho tới nay, cuộc chiến chống khủng bố được Tổng thống George W. Bush phát động vẫn được xem là kéo dài và tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ. 18 năm trôi qua, nỗi ám ảnh của nước Mỹ vẫn chưa chấm dứt khi “gốc rễ” của chủ nghĩa khủng bố vẫn chưa thể “nhổ bỏ”, trái lại đang có xu hướng gia tăng và biến đổi theo chiều hướng phức tạp. Trong bài viết gần đây trên tờ The Washington Post, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta cảnh báo những nhóm khủng bố như al-Qaeda hay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang không ngừng nhằm mục tiêu vào Mỹ và các nước phương Tây. Ông Leon E. Panetta cho rằng, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ kể từ sự kiện 11-9-2001 đã giúp nước này tránh được một vụ khủng bố kinh hoàng tương tự nhưng cảnh báo cuộc chiến còn lâu mới kết thúc.

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, bất chấp nhiều tiền bạc và công sức đã bỏ ra, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng, thể hiện rõ qua tình trạng bạo lực ở Afghanistan, sự hỗn loạn ở Libya... Chuyên gia Stephanie Savell của Đại học Brown thậm chí còn không tin rằng cuộc chiến chống khủng bố của Washington thật sự khiến người Mỹ an toàn hơn hoặc giảm bớt bạo lực nhằm vào dân thường tại Mỹ và những nước khác.

Có một nghịch lý là, Mỹ càng chi nhiều tiền, số phần tử khủng bố càng tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tính đến năm 2018, có tới 67 nhóm thánh chiến hoạt động trên thế giới, tăng 180% so với năm 2001. Đáng chú ý, phần lớn trong tổng số khoảng 280.000 tay súng thánh chiến hiện nay hiện diện ở các quốc gia mà Mỹ có can thiệp quân sự trong 18 năm qua như Iraq, Afghanistan hay Libya.

Có vẻ như việc chỉ dựa vào sức mạnh quân sự để chống khủng bố vẫn là một chiến lược còn nhiều khiếm khuyết khi Mỹ và phương Tây đang tạo ra nghịch lý “hận thù, bạo lực” nối tiếp nhau, vô hình trung lại kích động chủ nghĩa khủng bố phát triển. Điều này phần nào lý giải vì sao Mỹ càng tăng cường chống khủng bố, khủng bố lại có dấu hiệu càng phát triển theo hướng đa dạng và manh động hơn. Một cách tiếp cận mới bền vững hơn về vấn đề chống khủng bố là điều Mỹ cần tìm kiếm và thúc đẩy để có thể đưa cuộc chiến này đi đến hồi kết.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/my-tieu-ton-hon-6-000-ty-usd-cho-cuoc-chien-chong-khung-bo-602570