Mỹ trừng phạt 24 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông

Washington vừa áp đặt lệnh trừng phạt đối với 24 quan chức ở Trung Quốc và Hồng Kông ngay trước thềm cuộc họp cấp cao giữa Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc ở Alaska vào ngày mai (18/3).

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhấn mạnh "mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi" với động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm "đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử của Hồng Kông" - Anh: AP

Bài liên quan

Mỹ và Trung Quốc ‘đào sâu ngăn cách’ trước cuộc gặp mặt ở Alaska

Mỹ cam kết 'đẩy lùi sự cưỡng bức và gây hấn' của Trung Quốc

Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau ở Myanmar?

Lý do của lệnh trừng phạt được đưa ra là những người này có hành vi “tấn công nền dân chủ Hồng Kông bằng cách góp phần sửa đổi luật bầu cử mới ở Hồng Kông. Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ áp lên những quan chức dường như chịu trách nhiệm trong các hoạt động kiểm soát, trấn áp đang diễn ra tại đặc khu Hồng Kông.

Trong số các quan chức bị trừng phạt, có ông Vương Thần (Wang Chen), Phó chủ tịch quốc hội Trung Quốc, ông Đàm Diệu Tâm (Tam Yiu-chung), đại diện duy nhất của Hong Kong tại Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPCSC) - cơ quan ra quyết định cấp cao nhất của Trung Quốc.

NPCSC đã thông qua một nghị quyết vào tuần trước trong cuộc họp Quốc hội thường niên nhằm trao quyền cho một ủy ban riêng do Bắc Kinh kiểm soát, để kiểm tra và lựa chọn các ứng cử viên phù hợp cho cơ quan lập pháp của Hồng Kông, nhằm loại bỏ hiệu quả các tiếng nói đối lập. Tỷ lệ các nhà lập pháp được bầu một cách dân chủ cũng sẽ bị giảm đi.

Trong một tuyên bố có tiêu đề "Tấn công nền dân chủ ở Hồng Kông" và được công bố hôm thứ Tư (17/3), Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết các lệnh trừng phạt mới nhấn mạnh "mối quan ngại sâu sắc của chúng tôi" với động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm "đơn phương phá hoại hệ thống bầu cử của Hồng Kông".

Ông Blinken nói: "Hành động này làm xói mòn thêm mức độ tự trị cao đã hứa với người dân Hồng Kông và phủ nhận tiếng nói của người Hồng Kông trong chính quyền của họ, một động thái mà Vương quốc Anh tuyên bố là vi phạm Tuyên bố chung Trung-Anh". Tuyên bố năm 1984 đặt ra khuôn khổ "một quốc gia, hai hệ thống" cho việc chuyển giao Hồng Kông vào năm 1997.

Ông Blinken nói thêm rằng Mỹ "đoàn kết với các đồng minh và đối tác của chúng tôi trong việc lên tiếng bảo vệ các quyền và tự do của người dân ở Hồng Kông, và chúng tôi sẽ đáp trả khi Trung Quốc không đáp ứng các nghĩa vụ của mình".

Tuần trước, các quốc gia công nghiệp hàng đầu trong Nhóm G7 cũng đã đưa ra một tuyên bố, bày tỏ "quan ngại nghiêm trọng" trước những gì họ cho là quyết định của Trung Quốc làm xói mòn cơ bản các yếu tố dân chủ của hệ thống bầu cử ở Hồng Kông.

Những người khác trong danh sách trừng phạt bao gồm các phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ NPC, các quan chức trong Phòng An ninh Quốc gia của Lực lượng Cảnh sát Hồng Kông, Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macao, và Văn phòng Bảo vệ An ninh Quốc gia. Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam và hơn một chục quan chức Trung Quốc và Hồng Kông khác đã bị xử phạt vào năm ngoái.

Trong vòng 30 đến 60 ngày, Bộ Tài chính Hoa Kỳ sẽ xác định các tổ chức tài chính "cố ý thực hiện các giao dịch quan trọng" với các cá nhân mới bị trừng phạt và cũng khiến họ bị trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt được công bố hôm thứ Tư (17/3) được đưa ra theo Đạo luật Tự trị Hồng Kông, được Washington thông qua vào năm ngoái, để đáp lại luật an ninh quốc gia mới mà Bắc Kinh áp đặt lên thành phố. Theo đó, Luật an ninh mới này quy định các hình phạt hình sự lên đến tù chung thân cho các hành vi lật đổ, ly khai, khủng bố và cấu kết với các thế lực nước ngoài.

Hành động mạnh mẽ của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Bắc Kinh tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Mỹ dưới thời chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden. Ngoại trưởng Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan dự kiến sẽ gặp hai nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, Dương Khiết Trì và Vương Nghị, tại Alaska vào thứ Năm (18/3).

Trong chuyến công du ngoại giao của Ngoại trưởng Blinken tới Tokyo tuần này, ông đã chỉ trích Trung Quốc về các mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực, xói mòn quyền tự trị ở Hồng Kông, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và Tây Tạng, và chế độ dân chủ kém ở Đài Loan.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/my-trung-phat-24-quan-chuc-trung-quoc-va-hong-kong-post123705.html