Mỹ trừng phạt 5 công ty ở nước thành viên NATO vì giúp Nga né cấm vận
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 14/9 áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào 5 công ty và một công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc các công ty và cá nhân này giúp Nga né tránh cấm vận.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Sochi, Nga.
Theo Reuters, các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị Mỹ trừng phạt thuộc các lĩnh vực vận tải và thương mại. Các công ty này bị cáo buộc cung cấp vật tư và trang thiết bị giúp sửa chữa các tàu thuyền có liên quan đến Bộ Quốc phòng Nga.
Đây là một phần trong quyết định trừng phạt quy mô lớn của Mỹ, nhắm vào 150 công ty trên thế giới. Quyết định được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ ở giai đoạn hệ trọng, khi Washington kì vọng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chính thức phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
“Trong 18 tháng qua, chúng tôi đã chia sẻ mối quan ngại với chính phủ và các công ty tư nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, cảnh báo về những rủi ro đáng kể khi các công ty này tiếp tục làm ăn với Nga", một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Tài chính Mỹ cho biết.
"Biện pháp trừng phạt phản ánh cam kết của chúng tôi nhằm vào các công ty và cá nhân hỗ trợ vật tư, trang thiết bị cho các đối tượng bị cấm vận", quan chức này nói thêm.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hiện chưa đưa ra phản ứng với đòn trừng phạt của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, Margiana Insaat Dis Ticaret và Demirci Bilisim Ticaret Sanayi là hai công ty Thổ Nhĩ Kỳ tích cực làm ăn với Nga, cung cấp các vật tư giúp Nga tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Công ty Margiana Insaat Dis Ticaret bị cáo buộc gửi hàng trăm chuyến hàng tới Nga, gồm các trang thiết bị giúp Nga sản xuất máy bay không người lái quân sự. Công ty còn lại bị cáo buộc gửi các cảm biến và thiết bị đo lường tới Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng áp đặt trừng phạt đối với công ty đóng tàu Denkar, do công ty này cung cấp dịch vụ sửa chữa cho các tàu thuyền có liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga.
Bộ Ngoại giao Mỹ còn áp đặt từng phạt công ty đóng tàu ID Ship Agency, chủ sở hữu Ilker Dogruyol và công ty CTL Limited vì cung cấp các trang thiết bị điện tử có nguồn gốc từ Mỹ và châu Âu cho Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO nhưng duy trì chính sách cân bằng quan hệ với Nga và Ukraine trong cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ đến nay không áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga như các nước thành viên NATO khác.
Hôm 14/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng Washington không lo ngại các biện pháp trừng phạt sẽ cản trở việc Thổ Nhĩ Kỳ phê duyệt tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với phía Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi không cho rằng biện pháp trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến việc Thụy Điển gia nhập NATO", ông Miller nói, theo Reuters.