Mỹ - Trung Quốc cạnh tranh kiểm soát cáp quang biển

Mỹ cùng các đồng minh đang nỗ lực chống lại Trung Quốc trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát mạng lưới cáp viễn thông dưới biển, đảm nhận hoạt động truyền dữ liệu internet khắp toàn cầu, theo tờ Wall Street Journal.

Huawei ồ ạt lắp đặt cáp quang biển trên toàn cầu

 Các tuyến cáp quang biển trên toàn cầu mà Huawei Marine Networks đã hoặc sẽ xây dựng và nâng cấp. Ảnh: WSJ

Các tuyến cáp quang biển trên toàn cầu mà Huawei Marine Networks đã hoặc sẽ xây dựng và nâng cấp. Ảnh: WSJ

380 tuyến cáp quang chạy dưới đáy của các đại dương đang truyền tải 95% lưu lượng dữ liệu và giọng nói liên lục địa, khiến chúng trở nên có vai trò cực kỳ quan trọng đối với các nền kinh tế và an ninh quốc gia của hầu hết các nước.

Trong khi Mỹ kêu gọi gạt bỏ tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei (Trung Quốc) ra khỏi mạng lưới 5G toàn cầu vì lo ngại gián điệp, tập đoàn này đã thâm nhập vững chắc vào mạng lưới cáp quang dưới biển toàn cầu đang truyền tải gần như tất cả dữ liệu internet của thế giới.

Các quan chức an ninh ở Mỹ và các nước đồng minh lo ngại các tuyến cáp quang biển đang ngày càng dễ bị tổn thương trước các nguy cơ tấn công mạng hay gián điệp mạng. Họ nói rằng sự hiện diện thiết bị của Huawei ở các tuyến cáp quang biển sẽ giúp nâng cao các năng lực đó của Trung Quốc.

Công ty Huawei Marine Networks, nơi tập đoàn Huawei đang nắm cổ phần kiểm soát, đã hoàn tất lắp đặt tuyến cáp quang biển dài hơn 6.000 km kết nối Brazil (Nam Mỹ) và Cameroon (châu Phi) hồi tháng 9 năm ngoái.

Huawei Marine Networks giờ đây là công ty cáp quang biển lớn thứ tư thế giới, đứng sau các công ty SubCom (Mỹ), Alcatel Submarine Networks (Phần Lan) và NEC Corp (Nhật Bản).

Trong giai đoạn 2015-2020, Huawei Marine Networks sẽ xây dựng xong 28 tuyến cáp quang biển trên thế giới, có chiều dài đương đương 25% tổng các tuyến cáp quang trên toàn cầu hiện nay. Một số tuyến cáp quang này kết nối đến các nước đồng minh của Mỹ bao gồm Anh, Canada và Pháp.

Hầu hết các dự án cáp quang biển mà Huawei Marine Networks đang xây dựng nằm ở các nước đang phát triển và một số dự án gần đây được các công ty nhà nước Trung Quốc tài trợ vốn vay.

Gần đây, công ty này bắt đầu khởi công xây dựng tuyến cáp quang dài 12.000 km kết nối châu Âu, châu Á và châu Phi, đồng thời đang hoàn tất lắp đặt tuyến cáp quang băng qua vịnh California ở Mexico.

Tính tổng cộng, Huawei Marine Networks đã và đang thực hiện 90 dự án để xây dựng hoặc nâng cấp các tuyến cáp quang biển trên toàn thế giới.

Các quan chức an ninh của Mỹ và các đồng minh cho rằng kiến thức và khả năng tiếp cận các tuyến cáp quang của Huawei Marine Networks có thể cho phép Trung Quốc gắn các thiết bị làm chuyển hướng hoặc giám sát lưu lượng dữ liệu hoặc có thể cắt đứt sự kết nối các tuyến cáp quang này đến các nước thù địch trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự.

Họ nói sự can thiệp như vậy có thể được thực hiện từ xa thông qua phần mềm quản lý mạng lưới cáp quang biển của Huawei Marine Networks hoặc các thiết bị khác ở các trạm tiếp địa nằm tại các bờ biển, nơi cáp quang biển được kết nối với mạng lưới cáp trên mặt đất.

“Chúng tôi nhận thức rõ rằng các hoạt động phản gián và các mối đe dọa an ninh đối với cáp quang biển đến từ nhiều chủ thể khác nhau. Vì các tuyến cáp quang biển truyền tải lượng dữ liệu viễn thông khổng lồ của thế giới nên việc bảo vệ các tuyến cáp này vẫn là một ưu tiên trọng yếu đối với chính phủ Mỹ và các nước đồng minh”, William Evanina, Giám đốc Trung tâm an ninh và phản gián quốc gia Mỹ (NCSC), nói.

Mỹ và đồng minh tìm cách ngăn chặn

 Huawei Marine Networks hoàn tất lắp đặt tuyến cáp quang biển dài hơn 6.000 km kết nối Brazil (Nam Mỹ) và Cameroon (châu Phi) hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: RT

Huawei Marine Networks hoàn tất lắp đặt tuyến cáp quang biển dài hơn 6.000 km kết nối Brazil (Nam Mỹ) và Cameroon (châu Phi) hồi tháng 9 năm ngoái. Ảnh: RT

Mỹ và một số nước đồng minh xem Huawei và mảng kinh doanh cáp quang biển của Huawei như là một phần trong chiến lược của Trung Quốc nhằm gia tăng sức ảnh hưởng toàn cầu bằng cách xây dựng hạ tầng viễn thông và xuất khẩu các công nghệ số hóa.

Mỹ tìm cách ngăn chặn Huawei tham gia các dự án hạ tầng viễn thông ở Mỹ bao gồm các tuyến cáp quang biển từ năm 2012. Mỹ lo ngại các tuyến cáp quang do Huawei xây dựng ngày càng mở rộng, đe dọa sự thống lĩnh của Mỹ trong hạ tầng viễn thống của thế giới.

Trung tướng về hưu của quân đội Mỹ William Mayville, cựu Phó tư lệnh Bộ chỉ huy Không gian mạng Mỹ, nói: “Đây là một phương hướng nữa mà Huawei thâm nhập vào hạ tầng viễn thông của nước khác. Thất bại trong việc ứng phó với Huawei Marine Networks sẽ nhường sự kiểm soát không gian mạng cho Trung Quốc. Mỹ và các đối tác phải đương đầu và cạnh tranh (với Huawei Marine Networks)”.

Cho đến nay, các đồng minh phương Tây của Mỹ đã gạt bỏ thành công Huawei Marine Networks ra khỏi ít nhất một dự án cáp quang quốc tế nhưng thất bại trong nỗ lực hất cẳng công ty này trong một dự án khác.

Hồi tháng 6-2017, ông Nick Warner, lúc đó là Giám đốc Cục Tình báo mật của Úc, đã đến quần đảo Solomon, một quốc đảo nằm ở vị trí chiến lược ở nam Thái Bình Dương. Sứ mệnh của ông là ngăn chặn thương vụ giữa Huawei Marine Networks và quốc đảo này nhằm xây dựng dự án tuyến cáp quang dài hơn 4.000km kết nối Sydney với Solomon. Các nguồn tin cho biết ông Warner đã nói với thủ tướng Solomon rằng thương vụ này sẽ cho phép Trung Quốc kết nối mạng lưới internet của Úc thông qua trạm tiếp địa ở Sydney và điều này gây ra rủi ro an ninh mạng.

Sau đó, Solomon đã hủy bỏ thương vụ với Huawei Marine Networks khi Úc đồng ý tài trợ vốn cho dự án và hợp đồng dự án được chuyển sang cho một công ty Úc.

Tuy nhiên, hồi tháng 9 năm ngoái, Mỹ, Úc và Nhật Bản đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục quốc đảo Papua New Guinea ký kết thương vụ xây dựng tuyến cáp quang biển ở nước này với Huawei Marine Networks.

Tham vọng con đường tơ lụa số hóa

Trung Quốc đang tìm cách xây dựng “Con đường tơ lụa số hóa”, bao gồm các tuyến cáp quang biển và các hệ thống liên lạc vệ tinh và trên mặt đất.

Tháng 9 năm ngoái, một viện nghiên cứu trực thuộc Bộ công nghệ thông tin và công nghiệp Trung Quốc đã công bố một báo cáo, trong đó ca ngợi sức mạnh công nghệ của Huawei trong xây dựng cáp quang biển và nhận định Trung Quốc sẽ trở thành một trong những trung tâm liên lạc thông tin cáp quang biển quan trọng nhất của thế giới trong vòng một hoặc hai thập kỷ tới.

Năm 2013, Edward Snowden, cựu nhân viên của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ cáo buộc Anh và Mỹ giám sát dữ liệu cáp quang biển. Giờ đây, Mỹ và các đồng minh lo sợ các chiến thuật giám sát như vậy có thể được sử dụng để chống lại họ.

Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt một công ty Nga với cáo buộc cung cấp cho các tình báo Nga thiết bị lặn có thể giúp xâm nhập vào các tuyến cáp quang biển.

Huawei Marine Networks, có trụ sở ở thành phố Thiên Tân, là một liên doanh với công ty Global Marine Systems (Anh) sở hữu đội tàu chuyên dụng phục vụ hoat động lắp đặt, sửa, bảo trì, sửa chữa các tuyến cáp quang biển.

Tháng 10 năm ngoái, Philip Falcone, Giám đốc điều hành HC2 Holdings, công ty mẹ của Global Marine Systems, cho biết đang cân nhắc bán Global Marine Systems. Điều này mở ra cánh cửa để Huawei hoặc một công ty Trung Quốc khác nắm quyền sở hữu hoàn toàn Huawei Marine Networks.

Tại cuộc điều trần ở quốc hội Anh năm 2017, cố vấn an ninh quốc gia Anh Mark Sedwill, nói rằng các vụ tấn công vào tuyến cáp quang biển có tác động tương đương như một vụ đánh bom các bến cảng ở London trong thế chiến thứ hai.

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/286293/my--trung-quoc-canh-tranh-kiem-soat-cap-quang-bien.html