Mỹ, Trung Quốc chạy đua xây thành phố thông minh ở Đông Nam Á
Trung Quốc có thể thắng Mỹ trong cuộc giành quyền xây các thành phố thông minh ở Đông Nam Á, khi hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới đang xem khu vực này là trung tâm của thế đối đầu địa chính trị.
Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 25.11 nhắc cách đây một năm, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ một kế hoạch của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để chuyển đổi các thành phố phát triển nhanh của khối thành những điểm đến công nghệ cao.
Mỹ chưa tích cực thực hiện kế hoạch của ông Pence?
Kế hoạch này có tên “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN”, gồm 26 thành phố, nhằm giải quyết các vấn đề tai hại liên quan việc đô thị hóa quá nhanh và dân số tăng cao. Kế hoạch là bắt tay vào việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào mọi thứ, từ xử lý ô nhiễm sông và chống lại bệnh tật, để cải thiện việc thu thuế và kéo giảm tội phạm.
Kế hoạch của Mỹ nằm trong chính sách khu vực “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở cửa” do chính phủ Tổng thống Donald Trump phát động. Hồi tháng 7.2018, Ngoại trưởng Mike Pompeo thúc đẩy chính sách này, để hỗ trợ một kế hoạch kinh tế cho ASEAN, sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2017.
Nhưng sự vắng mặt của các quan chức cấp cao, kể cả ông Trump, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN mới đây đã phát đi nhiều tín hiệu khác nhau, về khả năng Mỹ gắn bó với Đông Nam Á và gây phức tạp cho quan hệ này, vào lúc Trung Quốc tích cực hơn trong việc đầu tư và phát triển, theo ý kiến của các nhà quan sát.
SCMP nêu Mỹ đang theo dõi việc Trung Quốc tăng cao tầm ảnh hưởng tại ASEAN khi Bắc Kinh chọn hướng đột phá đầu tiên là xây tuyến đường sắt, cảng và đường bộ (một phần trong dự án Vành đai và Con đường- BRI) và sau đó nhận thầu trang bị tháp phát sóng, sợi cáp quang học và thiết bị giám sát đô thị do các công ty kỹ thuật của Trung Quốc sản xuất.
Đó là một cách Bắc Kinh tranh phần trong cuộc cách mạng kỹ thuật số đang diễn ra với nền kinh tế trị giá 3 ngàn tỉ USD của ASEAN.
Động thái đó khiến “kích hoạt nguồn đầu tư mới của Mỹ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của khu vực này”, theo lời ông Pence lúc công bố kế hoạch hồi tháng 11.2018, cũng là lúc ông hứa ban đầu Mỹ sẽ đầu tư 10 triệu USD.
Đối với Mỹ, việc tham gia các dự án kỹ thuật số hóa các thành phố Đông Nam Á không chỉ là đầu tư, mà còn là xây dựng mối quan hệ đối tác với các thành phố, để thực hiện các dự án như giao thông, an ninh nguồn nước, tiếp đón đại diện các thành phố đến Washington và thúc đầy quan hệ đối tác thương mại.
Nhiều công ty Mỹ đã tích cực tham gia các dự án khu vực tại ASEAN, gồm cả IBM và General Electric, xuất hiện cạnh các công ty Trung Quốc như Huawei và Alibaba Cloud trong danh sách “các đối tác giải pháp và các nhà quan sát” cho kế hoạch “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN”. Nhưng xem ra Mỹ không đạt được tiến bộ mới ở khu vực, theo các nhà quan sát.
Bà Amalina Anuar, một nhà phân tích của Trung tâm vì các nghiên cứu đa phương ở Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) nói: “Với Mỹ, chưa thể rõ lời hứa đóng góp 10 triệu USD sẽ được phân phối thế nào, hoặc về cách sử dụng nguồn tiền này”.
Ngược lại, Trung Quốc “tích cực hơn trong việc vận động các đối tác với các thành phố, nhất là thông qua Huawei và công nghệ mạng 5G của công ty này”, theo bà Anuar.
Theo CSIS, Huawei đã đạt hoàn tất ít nhất một chục dự án lắp đặt sợi cáp quang học dưới biển quanh vùng Đông Nam Á, và đã lắp đặt hoặc ký hợp đồng lắp đặt các sản phẩm giám sát “thành phố an toàn” ở ít nhất 5 quốc gia thuộc khu vực này.
Trung Quốc làm đối tác để tranh thủ thời cơ
Hồi tháng 10.2019, Trung Quốc công bố một kế hoạch đối tác khu vực, nhằm hỗ trợ “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN”, vốn nhằm “tranh thủ thời cơ nắm bắt các cơ hội” của cuộc cách mạng kỹ thuật số.
Các chuyên gia nói trong khi các nước ASEAN chủ yếu duy trì quan hệ cân bằng với cả Mỹ lẫn Trung Quốc, sự liên quan của hai chàng khổng lồ kinh tế thế giới trong các dự án khu vực đã khiến Đông Nam Á trở thành một đấu trường khác cho cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ-Trung.
Ông Brian Harding, Phó chủ nhiệm Chương trình Đông Nam Á (thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược-CSIS) nói: “Về mặt địa lý, Đông Nam Á là trung tâm cuộc tranh đua giữa Mỹ-Trung. Chính quyền Mỹ đang tìm các cách cạnh tranh chứ không kìm hãm Trung Quốc, và đưa ra một tầm nhìn cho các nước Đông Nam Á tìm hiểu và khiến họ muốn đi theo một hướng đáp ứng các chuẩn mực và thân Mỹ”.
Ông còn nói thêm rằng Mỹ các chuẩn mực này, gồm cả việc bảo đảm “các thành phố thông minh” không có nghĩa là những thành phố mà ở đó cư dân bị giám sát quá kỹ lưỡng.
Ông Moe Thuzar, một nhà nghiên cứu ở Viện ISEAS-Yusof Ishak (ở Singapore) nói: “Người Đông Nam Á đã cho rằng sự gắn bó của Mỹ với khu vực đã suy giảm, và xem ra họ phải chấp nhận một thực tế là vai trò của Trung Quốc đang tăng lên.
Trong một thăm dò của viện trên với các nhà chuyên môn của ASEAN vào năm 2019, 45% cho biết họ cảm thấy Trung Quốc có tầm ảnh hưởng chính trị-chiến lược nổi trội ở tất cả các nước Đông Nam Á, so với 30% có nhận định tương tự đối với Mỹ.
Đáng kể hơn, 73% nói Trung Quốc có tầm ảnh hưởng kinh tế lớn hơn, so với 8% có nhận định tương tự đối với Mỹ.
Ông Thuzar nói việc Trung Quốc tuyên bố là đối tác chính thức của kế hoạch “Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN” xảy ra lúc sự hiện diện của Mỹ ở hội nghị thượng đỉnh ASEAN đạt mức thấp nhất trong vài năm gần đây.
Nhưng mạng 5G không là lĩnh vực duy nhất mà Mỹ bị tụt sau Trung Quốc, theo ông Harding: “Đang ngày càng nhiều khoản đầu tư của Trung Quốc vào các công ty khởi nghiệp ngành kỹ thuật số ở toàn khu vực ASEAN, nhưng phía tư nhân Mỹ không nhảy vào các chỗ này”.
Nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã lần đầu tiên qua mặt Mỹ hồi năm ngoái, dù Trung Quốc vẫn kém sau các “tay chơi” lớn gồm Nhật Bản và khối Liên hiệp châu Âu (EU).
Nhà phân tích Chan Jia Hao ở Viện Nghiên cứu Nam Á (thuộc Đại học Quốc gia Singapore) nói vẫn còn nhiều cơ hội cho Mỹ nhảy vào các lĩnh vực mà Trung Quốc chưa chiếm ưu thế, như các trung tâm dữ liệu và các nhà máy điện thông minh.
Ông cũng nói khi cuộc đấu quyền lực Mỹ-Trung diễn ra ở các kế hoạch được thiết kế để kết nối các thành phố châu Á với nhau, thì câu hỏi dài hơi là tác động sẽ thế nào đối với các thành phố này: “Nếu vài thành phố trong khu vực gắn kết với công nghệ Trung Quốc, nhóm khác thì chọn công nghệ Mỹ... thì các thành phố này có tiếp tục làm việc với nhau? Ngay cả khi họ muốn hợp tác, thì liệu các thế lực công nghệ có làm họ nản chí?”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)